Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Ngày 18/9, diễn ra Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022

Ngày 18/9, diễn ra Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022
Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" sẽ diễn ra vào ngày 18/9 tới. Thông tin trên được ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết tại Họp báo sáng 15/9.

Ngày 18/9, diễn ra Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022
Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh

Trên cơ sở thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 tổ chức vào tháng 12/2021, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn Lâm Khoa học Việt Nam tiếp tục phối hợp tổ chức Diễn đàn với tên gọi mới là Diễn Kinh tế- Xã hội Việt Nam 2022. Diễn đàn có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng khoảng 400 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và một số chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài tham dự theo hình thức trực tuyến.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 đã tập hợp, bổ sung các luận cứ khoa học, thực tiễn giúp Chính phủ, Quốc hội đưa ra các quyết sách quan trọng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Cho đến nay, các chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống, vừa có tác động trước mắt, vừa có tác động lâu dài và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận trong nước cũng như quốc tế.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tạo tiền đề để "bứt phá" thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, theo của các tổ chức trong nước và quốc tế, giai đoạn sắp tới, kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định vĩ mô, các cân đối lớn, nhất là về điện, xăng dầu; áp lực lạm phát tăng cao cộng hưởng với sự gia tăng giá cả nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải, logistics, nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine…, qua đó tác động đến người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp; làm giảm sức chống chịu và phục hồi của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ đã ban hành.

Vì vậy, để đạt các mục tiêu, nhiệm vụ theo các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết khác của Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022 dự kiến được tổ chức sẽ bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh-xã hội..., đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững. Các ý kiến phát biểu tại Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu quý để các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, tham khảo để tham mưu ban hành các chính sách quan trọng trong thời gian tới.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 sẽ tập trung làm rõ bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; các căng thẳng, xu hướng dịch chuyển địa – kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững… Đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 và dự báo cả năm 2022. Trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề nóng của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó. Đồng thời, đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

"Chúng tôi đưa vào Diễn đàn để đánh giá khách quan, trung thực các giải pháp theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, từ đó đưa ra chính sách để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay.

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 bao gồm phiên toàn thể và 2 phiên hội thảo chuyên đề về "Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững".

Ngày 18/9, diễn ra Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tại Họp báo, ông Vũ Hồng Thanh đã trả lời một số vấn đề quan tâm. Liên quan đến đề xuất bỏ khung giá đất để chuyển sang xác định biểu giá theo thị trường khi sửa Luật Đất đai, cùng những tác động của quy định này tới thị trường bất động sản, ông Vũ Hồng Thanh thông tin, ngày mai Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ về dự thảo luật rất quan trọng này. Trong 8 nội dung mới của Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã đặt ra chính sách tài chính, giá đất. Nghị quyết đặt vấn đề bỏ khung giá đất giao cho các địa phương có khung để ban hành bảng giá đất, với yêu cầu khách quan độc lập, bảo đảm sát giá thị trường.

"Chúng tôi đang tổ chức nhiều hoạt động, hội nghị, hội thảo để nghe những đối tượng chịu tác động của chính sách này, những chuyên gia, nhà khoa học để tham vấn và chúng tôi xác định đây là vấn đề rất khó, giá đất tác động rất nhiều đối tượng trong xã hội", ông Vũ Hồng Thanh nói.

Ông cho rằng, bài toán đưa ra bảng giá đất như thế nào là những vấn đề hết sức khoa học, thực tiễn, cần phải nhìn thấu đáo theo nhiều chiều để xử lý. "Chúng tôi sẽ cùng các cơ quan liên quan xử lý hài hòa, không thể đưa ra một giá đất thoả mãn hài hòa lợi ích mọi đối tượng", ông Vũ Hồng Thanh

Nhận định về thị trường bất động sản tới đây khi sửa Luật Đất đai, trong đó có bỏ khung giá đất, ông Thanh cho rằng, thị trường ổn định hay không phụ thuộc vào việc giá đất, bảng giá đất tới đây sẽ thế nào. Đây là vấn đề phức tạp. Nhưng mục đích của chúng ta là phải ổn định được thị trường bất động sản. Mục tiêu sửa luật là xử lý vấn đề của thị trường bất động sản, xử lý hài hòa lợi ích các đối tượng tham gia thị trường bất động sản, đất đai. Dự luật này dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến qua 3 kỳ họp. Sau khi cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, các cơ quan sẽ tiếp thu, và đầu năm sau tổ chức xin ý kiến nhân dân rộng rãi để lắng nghe các thông tin phản hồi từ các dự thảo luật, phục vụ việc hoàn thiện quy định về tài chính đất đai, giá đất.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/ngay-189-dien-ra-dien-dan-kinh-te-xa-hoi-viet-nam-2022-20220915143938532.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.38710 sec| 658.875 kb