Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Những bất cập trong thực hiện Quyết định 12 về chính sách với người có uy tín

Những bất cập trong thực hiện Quyết định 12 về chính sách với người có uy tín
Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, khẳng định vị trí, vai trò của người có uy tín trong xã hội.

Những bất cập trong thực hiện Quyết định 12 về chính sách với người có uy tín
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) và trưởng bản, người có uy tín trao đổi nội dung trước khi trực tiếp đi các bản biên giới tuyên truyền cho bà con. Ảnh: TTXVN phát

Theo đồng chí Y Vinh Tơr, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã kịp thời động viên, khích lệ người có uy tín phát huy vai trò tích cực trên các lĩnh vực của , có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá, góp phần củng cố niềm tin, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng DTTS.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, việc triển khai thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập cần sớm được khắc phục. Đó là, về tiêu chí, điều kiện lựa chọn người có uy tín có một số nội dung tiêu chí còn trùng lặp, không cần thiết, cần sắp xếp nhóm lại các tiêu chí cho phù hợp, logic để dễ thực hiện và thực sự lựa chọn được người có uy tín. Việc quy định "Mỗi thôn thuộc vùng DTTS có ít nhất 1/3 số hộ gia đình hoặc số nhân khẩu là người DTTS được bình chọn một người có uy tín" cũng như quy định "tổng số người có uy tín được bình chọn không vượt quá tổng số thôn của vùng DTTS trên địa bàn tỉnh" vô hình chung đã hành chính hóa việc lựa chọn người có uy tín và cũng chưa thực sự phù hợp với thực tế là các DTTS thường sinh sống đan xen nhau ở các thôn bản.

Đối với những người có uy tín do lực lượng Công an, quốc phòng các cấp quản lý, thực hiện theo quy định tại Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng do chưa quy định tại Quyết định 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên phần lớn những người có uy tín này chưa được hưởng các chế độ, chính sách quy định tại Quyết định 12/2018/QĐ-TTg.

Việc quy định thủ tục hành chính công nhận và đưa ra khỏi danh sách người có uy tín trong Quyết định 12/2018/QĐ-TTg là chưa phù hợp với thực tế, nhất là trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử, cũng như việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và đơn giản hóa trong giải quyết thủ tục hành chính hiện nay.

Cũng theo đồng chí Y Vinh Tơr, một số chế độ, chính sách đối với người có uy tín còn bất cập, định mức chi thấp, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nên chưa thực sự tạo động lực đối với người có uy tín trong thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm được giao.

Trong Quy định 12/2018/QĐ-TTg có nêu người có uy tín được "thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết của các DTTS…" là chưa đảm bảo bình đẳng, công bằng đối với người có uy tín trong các DTTS. Thực tế có rất ít DTTS (như dân tộc Khmer, dân tộc Chăm) có Tết riêng của dân tộc mình mà chủ yếu là các lễ hội. Trong khi đó, cho đến nay cũng chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hay công nhận đối với các lễ, Tết riêng của các DTTS nên gây khó khăn cho các cơ quan trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách này đối với người có uy tín trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân xã là cấp trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò đối với người có uy tín ở thôn bản vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, trong Quyết định 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không bố trí kinh phí và quy định cấp xã được thực hiện việc thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín là một khó khăn cho địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách để tiếp xúc, gặp gỡ, nắm tình hình, động viên, phát huy vai trò của người có uy tín ở cơ sở.

Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc cho rằng, cùng đối tượng là người có uy tín, nhưng những người có uy tín sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được ngân sách Nhà nước mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, trong khi đó, những người có uy tín sinh sống ở vùng DTTS và miền núi khác (không thuộc đối tượng được hưởng cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí) chưa được hưởng chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, tạo nên sự so bì giữa những người có uy tín với nhau. Bên cạnh đó, định mức hỗ trợ một lần, số lần thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín trong Quyết định 12/2018/QĐ-TTg được xây dựng căn cứ vào mức chi từ năm 2013 là thấp và không còn phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, chưa có quy định ràng buộc cụ thể hoặc cơ chế để các địa phương phải có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người có uy tín thực hiện nhiệm vụ được giao.

Từ thực tế triển khai và kết quả thực hiện, để kịp thời khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thống nhất thực hiện chính sách đối với người có uy tín, đồng chí Y Vinh Tơr cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS là rất cần thiết nhằm tiếp tục động viên, khích lệ những người có uy tín phát huy vai trò tích cực của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV mới đây, đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, trên thực tế, việc người dân, nhất là người nghèo, người có uy tín ở vùng đồng bào DTTS chưa được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ của mình nên khi triển khai bị chậm tiến độ, bị động và gặp rất nhiều khó khăn.

Đại biểu Trần Quang Minh cho rằng khâu cán bộ cơ sở hướng dẫn thực hiện và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tuyên truyền chưa được chú trọng, cán bộ làm chính sách rất ít, hay thay đổi, chất lượng không đồng đều, điều kiện kinh tế khi công tác ở miền núi còn khó khăn, trong khi đội ngũ Ban phát triển ở thôn bản chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chế độ, năng lực có hạn, chưa phát huy được vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín.

“Tôi đề nghị, thời gian tới, cần phải tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo, vùng đồng bào DTTS. Bởi vì, khi người dân nắm được, hiểu được và đồng tình với chủ trương, chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi, hiệu quả mang lại mới thực sự bền vững, lâu dài, ý chí vươn lên của người dân đóng vai trò rất quan trọng", đại biểu Trần Quang Minh nhấn mạnh. 

Ủy ban Dân tộc đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung thay thế Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Báo Tin tức

Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/nhung-bat-cap-trong-thuc-hien-quyet-dinh-12-ve-chinh-sach-voi-nguoi-co-uy-tin-20231208144550716.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.29604 sec| 659.445 kb