Cách trung tâm thành phố Hà Nội 8km về phía Tây Bắc chúng tôi tìm về làng Đào Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) nơi có nghề trồng đào hơn mấy trăm năm qua.
Vùng đất màu mỡ ươm loài hoa tuyệt sắc
Không ai nhớ rõ đào Nhật Tân có từ bao giờ. Nhưng theo câu chuyện mà các bậc cao niên ở Nhật Tân vẫn thường kể lại cho con cháu, vào năm 1789, sau khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh, các bô lão trong làng đã dâng lên nhà vua một cành đào, là biểu tượng của phường Nhật Chiêu lúc bấy giờ (nay là phường Nhật Tân). Vì thế, có thể khẳng định hoa đào Nhật Tân đã có từ hàng trăm năm trước.
Làng đào Nhật Tân là vùng đất trồng đào lâu đời và nổi tiếng nhất của Thủ đô. Cứ mỗi dịp xuân về, nơi đây lại ngập tràn sắc đào đỏ thắm. Những ngày giáp Tết, hoa đào bắt đầu bung nhụy, tung cánh khoe sắc, vườn đào Nhật Tân như vươn mình thức giấc sau những ngày ngủ đông dài. Người Hà Nội và khách thập phương cũng theo đó tìm về đây tham quan, thỏa mãn thú chơi đào mỗi dịp Tết đến xuân về.
Anh Lê Duy Hải, một chủ vườn đào ở Thanh Hóa chia sẻ: “Tôi đã đi tham quan rất nhiều vườn đào lớn trên cả nước nhưng đào Nhật Tân thực sự ấn tượng. Bên cạnh thuận lợi về điều kiện tự nhiên, thì người Nhật Tân có những kĩ thuật chăm rất đặc biệt, họ lai ghép gốc đào cổ thụ được vận chuyển từ rừng về với đào bích để tạo nên những cây thế và tiểu cảnh bonsai đáp ứng được mọi nhu cầu chơi và thưởng thức hoa của người Hà Nội từ cao cấp đến bình dân”.
Gặp ông Nguyễn Văn Lâm, người đã gắn bó hơn 40 năm với những gốc đào Nhật Tân. Nâng niu cành đào Thất Thốn, ông cho biết đào bích là loài hoa đào phổ biến, cũng là đặc trưng của làng Nhật Tân. Cánh hoa màu hồng thắm xếp thành nhiều lớp bao quanh nhị vàng tươi, hoa to, mỗi cụm chỉ nở độ dăm bông, mỗi bông có mười hai hay mười bốn cánh nhưng đôi khi cũng có loại bông kép có đến ba mươi hai cánh. Lá đào hình mũi mác màu xanh biếc và cành vươn thẳng đứng. Bên cạnh đó còn có đào phai hoa kép, sắc hồng phảng phất kiêu kỳ.
Chính những màu mỡ, phù nhiêu từ vùng đất châu thổ sông Hồng đã nuôi dưỡng, duy trì sự phát triển cho những cây đào làng Nhật Tân ngày nay. Gốc đào to, nhỏ tùy thuộc vào tuổi đời của cây. Cây trên bảy năm sẽ được thợ chiết cành, uốn lượn với nhiều thế khác nhau, phù hợp với sở thích của dân sành đào cũng như thị hiếu người tiêu dùng dịp Tết.
Những nghệ nhân trồng đào luôn tâm huyết với nghề
Hoa đào Nhật Tân nức danh cả nước bởi vẻ đẹp quyến rũ, đặc trưng cho mùa xuân phương Bắc. Trên mảnh đất ấy, vài năm nay nổi lên một “vua đào”. Anh là Đỗ Văn Lan- người đầu tiên thành lập được công ty chỉ chuyên sản xuất và nhân giống đào thế. Hiện anh đang sở hữu một vườn đào thế hơn 200 cây tại đất đào Nhật Tân.
Anh Đỗ Văn Lan được chính người Nhật Tân tụng xưng là “nghệ nhân trồng đào”, “chuyên gia đào thế”. Nhưng anh vẫn chỉ tự nhận mình là một “anh nông dân trồng đào”. Anh yêu cái nghiệp trồng đào, đam mê những thế đào độc đáo bởi đơn giản anh là người con của mảnh đất Nhật Tân. Người Nhật Tân sinh ra bên gốc đào và chết đi cũng nằm dưới những tán đào.
Bên cạnh những người trẻ như anh Lan, luôn tìm kiếm cái mới để cải tiến phương cách trông đào, chúng tôi cũng tìm về những nghệ nhân trồng đào gạo cội. Bác Chu Quang Trung, 76 tuổi, là một trong những nghệ nhân trồng đào lâu năm nức tiếng ở Nhật Tân. Theo bác Trung, gia đình bác có truyền thống trồng đào, đến đời bác đã là đời thứ ba. Từ bé bác đã theo chân cha đi thăm thú, chăm sóc những cây đào. Cũng vì có kinh nghiệm lâu năm nên vườn đào của bác luôn "cháy hàng" dịp Tết. Trước Tết 1,2 tháng những cành đào, gốc đào của bác đều đã được đặt cọc. Nhiều người từ tỉnh khác, như Nghệ An, Hà Tĩnh cũng về đây tìm đến vườn đào này.
Trò chuyện với chúng tôi, bác Trung tâm sự: “Mấy năm trước nghe tin làng đào Phú Thượng bên cạnh bị lấy đất để làm khu công nghiệp, tôi lo lắm. Tôi sợ làng mình sau này xung bị thu hồi đất, rồi cái nghề, cái truyền thống này sẽ đi về đâu”. Bác còn bảo: “Tôi đã là nghề này hơn 60 năm rồi, nó như ăn sâu vào máu mình rồi. Năm nào bán được đào giá tốt thì mừng, mà bán lỗ chút cũng chẳng sao. Thấy cành đào của mình đưa cái Tết về với nhiều nhà là tôi vui lắm. Sau này tôi sẽ tiếp tục truyền cho con cháu, cho cái nghề trồng Đào gia truyền phải giữ được mãi”.
Tất bật những ngày cận Tết 2023
Tại các nhà vườn, khung cảnh bình yên thường ngày bị phá vỡ bởi không khí hối hả, nhộn nhịp do các tiểu thương và khách tham quan mạng lại. Thời điểm này cũng là dịp để người dân tìm đến vui chơi, ngắm những mảnh vườn, cánh đồng có hàng vạn gốc đào đã bắt đầu khoe sắc hồng, đồng thời lựa mua những cây hoặc cành đào phù hợp với sở thích để mang về.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tĩnh, một gia đình có truyền thống trồng đào. Gia đình ông vẫn trồng chủ yếu đào cắt cành, ông cho biết: "Năm nay thời tiết thuận lợi, đào rụng lá nhiều, nên hầu như không phải tuốt lá. Với thới tiết như bây giờ, đào năm nay được vụ, sẽ nở hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Người làng Nhật Tân đã cắt cành bán cho những người chơi đào sớm".
Chị Mai, một chủ khác của vườn đào tại đây chia sẻ khi được phóng viên hỏi về giá đào tại vườn năm nay, chị nói: "Có những cây đào chỉ từ 1 - 5 triệu đồng nhưng có những cây vài chục triệu đồng. Có những cây nhỏ nhưng rất đắt tiền vì cây đấy hội tụ tất cả, từ các yếu tố từ sắc đến nét".
Người trồng đào ở Nhật Tân luôn mong rằng thời tiết thuận lợi để có những cành đào đẹp đáp ứng nhu cầu chơi Tết của người Hà Nội và cả nước, để năm nay người trồng đào có một vụ mùa bội thu, một cái Tết "có thịt", còn người dân thì được hoa đẹp, ưng ý giá cả phải chăng. Nghề trồng đào nhiều năm nay đã và đang góp phần trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Một mùa Xuân mới đang về, với cành đào tươi trong nhà mong cho một năm ấm no, sung túc.