Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu tại khu vực miền Nam sáng 21/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các tướng lĩnh, sĩ quan, các cựu chiến binh, các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước, các gia đình chính sách tiêu biểu,

Thưa các đồng chí Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Thành uỷ, Tỉnh ủy

Thưa toàn thể các đồng chí đại biểu dự gặp mặt.

Trong không khí cả nước phấn khởi, tự hào, hân hoan hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng như những sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2025, Tôi cùng các đồng chí trong đoàn công tác Trung ương rất xúc động đến dự buổi gặp mặt với các đồng chí hôm nay. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tôi thân ái gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, cựu chiến binh, các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, gia đình chính sách tiêu biểu và toàn thể đồng chí, đồng bào, các vị khách quý lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp. Chúc các đồng chí, các đại biểu luôn dồi dào , hạnh phúc, tiếp tục dành sự quan tâm, đóng góp ý kiến tâm huyết, trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, Nhân dân ta và cho địa phương nơi các đồng chí đang cư trú.

Thưa các đồng chí!

Chúng tôi tổ chức các cuộc gặp gỡ, thứ nhất là để được lắng nghe ý kiến của các đồng chí, những người rất tâm huyết với sự phát triển của đất nước. Thứ hai là tri ân sự đóng góp to lớn của các đồng chí vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thứ ba là dành thời gian các đồng chí về tình hình đất nước đang được nhân dân cả nước rất quan tâm.

Trong không khí ấm áp, xúc động này, được trực tiếp nghe phát biểu của những nhân chứng lịch sử, niềm tự hào kiêu hãnh của những người chiến thắng, Tôi nghe như vang vang hành khúc "Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước/Diệt đế quốc Mỹ Phá tan bè lũ bán nước", "Đây Cửu Long hùng tráng/ Đây Trường Sơn vinh quang/ Thúc giục đoàn ta xông pha đi giết thù/ Vai sát vai chung một một bóng cờ"... và tôi tin rằng những câu hát này các bác, các cô chú, các đồng chí đã từng hát nhiều lần và đó là nguồn sức mạnh tinh thần, là động lực, là niềm tin giúp các đồng chí vượt qua mọi gian lao, vất vả, hiểm nguy để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Không một áng văn nào có thể phản ánh đầy đủ sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam, của bộ đội Cụ Hồ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; không một tác phẩm nào có thể diễn tả hết ý chí và sức mạnh to lớn của nhân dân ta, đất nước ta trong khát vọng "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Từ trong bão lửa của các cuộc chiến tranh, dân tộc ta đã trở thành người chiến thắng, trở thành "lương tri và lẽ sống" của nhiều quốc gia đấu tranh giải phóng dân tộc, trở thành biểu tượng của thời đại.

Lịch sử cách mạng Việt Nam khắc ghi vai trò đặc biệt anh dũng, trung kiên của các cán bộ lão thành cách mạng, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và dân quân tự vệ, những người tham gia cách mạng trong vùng kháng chiến – những người đã từng chiến đấu trên mọi chiến trường, ở mọi mặt trận – từ tuyến đầu rực lửa đến hậu phương vững chắc, từ chiến trường ác liệt Trường Sơn, Tây Nguyên, Nam Bộ đến các chiến khu, bưng biền, trong vùng địch hậu, thậm chí trong cả lao tù.

Các đồng chí, những người lính cụ Hồ đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn, nguy hiểm để viết nên những trang sử vàng về cuộc trường kỳ kháng chiến, tạo nên "dáng đứng Việt Nam" trong dòng chảy của thời đại. Trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ, các đồng chí, bằng lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quả cảm và ý chí kiên trung, đã vượt lên mọi mất mát, hy sinh để góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhiều đồng chí đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ ở khắp các chiến trường ác liệt, từ Bắc vào Nam, từ núi cao đến biển rộng, từ núi rừng Tây Nguyên tới đồng bằng ven biển. Bước chân các đồng chí đi trên khắp mọi nẻo đường thân yêu của Tổ quốc, người Bắc vào Nam, người Nam ra Bắc. Có các đồng chí trở về với vết thương, bệnh tật trên thân thể, với ký ức chiến tranh in sâu trong tâm trí. Có những người tiếp tục lặng thầm cống hiến cho đất nước trong thời bình, từ công tác , phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới đến giáo dục thế hệ trẻ.

Trong cuộc trường chinh gian lao mà anh dũng ấy, chúng ta một lần nữa khẳng định vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam. Đó là lực lượng chính trị- nòng cốt của phong trào cách mạng ở miền Nam, là một phần "cơ thể sống" của phong trào toàn dân kháng chiến, của dân tộc Việt, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lãnh đạo, tổ chức và trực tiếp đấu tranh chống lại chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Gặp mặt các đồng chí hôm nay, Chúng tôi như thấy lại sự khốc liệt của chiến tranh, thấy trước mắt mình những trận Ấp Bắc, trận Bình Giã, Trận Ba Gia; thấy chiến thắng Vạn Tường, thấy các bà má Năm Căn, thấy các cô gái Sài gòn đi tải đạn, cứu thương, giao liên, thấy phong trào học sinh sinh viên chống Mỹ ngụy; thấy cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, nhớ lại chiến dịch đường 9 Nam Lào, chiến dịch Quảng Trị, chiến dịch Tây Nguyên, trận Xuân Lộc, cảnh Mỹ ngụy cuống cuồng, chen chúc, tranh nhau lên máy bay trực thăng trên nóc tòa Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, thấy 5 cánh quân giải phóng áp sát Sài Gòn, hùng dũng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/04/1975.

Trong giờ phút thiêng liêng tràn đầy ký ức này, chúng ta nhớ về những tình cảm mà Bác Hồ đã dành cho đồng bào bào miền Nam ruột thịt. Bác từng nói"miền Nam trong trái tim tôi. Ngày nào Tôi cũng nghĩ tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Tôi thương miền Nam lắm, tôi nhớ miền Nam lắm" và "Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà... Tôi có ý định đến ngày đó, Tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta". Tất cả chúng ta ngồi đây hôm nay xin báo cáo với Bác rằng, mong muốn, ước nguyện của Bác về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được các thế hệ cháu con thực hiện. Tất cả các đại biểu khách mời hôm nay đều là những người trực tiếp thực hiện ý nguyện của Bác.

Những chặng đường lịch sử của đội quân cách mạng là một thiên anh hùng ca trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân. Đảng, Nhà nước đã quyết định đầu tư xây dựng Bảo tàng quân sự Việt Nam để lưu giữ lâu dài hàng trăm ngàn hiện vật, tư liệu, tài liên quan đến lịch sử ra đời, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội nhân Việt Nam. Giai đoạn một của Bảo tàng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 01/11/2024. Đến nay đã có gần 2,5 triệụ lượt khách thăm quan, trong đó có 12.000 lượt khách quốc tế, với mức trung bình trên 20.000 lượt khách/ngày. Bảo tàng đã trở thành "địa chỉ đỏ" cho nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. (Theo Tôi, Bộ Quốc phòng nên có kế hoạch tổ chức cho tất cả các cựu chiến binh, những người thuộc lực lượng Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, dân quân, du kích từng tham gia đánh Mỹ thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trong năm nay, nhân kỷ niệm 80 năm thành lập nước).

Bộ Chính trị cũng đã quyết định xây dựng Bảo tàng Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, dự kiến khánh thành dịp Đảng ta tròn 100 tuổi (03/02/2030), đây cũng sẽ là một địa chỉ đỏ, nơi lưu giữ các hiện vật lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam. Và tôi tin rằng cả hai bảo tàng vừa nêu trên, có nhiều hiện vật lưu lại từ sự đóng góp của các đồng chí ngồi đây hôm nay.

Qua nghe ý kiến phát biểu của các đồng chí, Tôi rất trân trọng, cảm phục và đánh giá cao những chiến công và đóng góp to lớn của các đồng chí trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong cuộc đời mình, dù , trên cương vị công tác nào, các đồng chí luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng và tâm huyết của người chiến sĩ, người đảng viên cộng sản; cống hiến, hy sinh quên mình vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng ta, Nhân dân ta và Quân đội ta.

Tôi rất cảm ơn những phát biểu tâm huyết, những suy nghĩ, đánh giá hết sức có trách nhiệm với đảng, với dân và tình cảm nguyện vọng được đóng góp cho sự phát triển của đất nước qua các phát biểu của các đồng chí hôm nay. Đây là những gửi gắm, động viên, khích lệ rất lớn cho sự phát triển của dân tộc trong tương lai. Tôi trân trọng những đóng góp tâm huyết của các đồng chí.

Thưa các đồng chí,

Hôm nay Tôi xin báo cáo với các đồng chí về một số vấn đề nhân dân đang rất quan tâm, nhất là những chủ trương liên quan đến "quốc kế-dân sinh".

Ban Chấp hành Trung ương xác định nhiệm vụ trọng tâm trước mắt hiện nay là:

Thứ nhất là, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, - trật tự trong nước và khu vực. Trong dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, chúng ta thấy rất rõ giá trị của độc lập, tự do, cho nên duy trì môi trường hòa bình, an ninh là rất quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Trong đó, chúng ta tập trung vào 5 nhiệm vụ: (a) Tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước. (b) Đoàn kết thống nhất mọi tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo sức mạnh để chiến thắng. (c) Xây dựng bộ máy Nhà nước tinh, gọn, mạnh, kiến tạo, phục vụ nhân dân. (d) Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đủ sức vượt qua mọi khó khăn gian khổ, không để bị động bất ngờ trong bất cứ tình huống nào. (e) Có một đường lối đối ngoại phù hợp, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích dân tộc, duy trì được hòa bình ngay trong nội bộ, giữ vững sự ổn định đất nước, đảm bảo đẩy lùi những xung đột, nguy cơ chiến tranh, để nhân dân được sống trong hòa bình, ổn định.

Thứ hai là, phát triển kinh tế -xã hội nhanh và bền vững. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 2 mục tiêu 100 năm, đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Như vậy phải có tốc độ phát triển nhanh thì mới đạt được các mục tiêu này.

Thứ ba là, nâng cao của nhân dân. Đây cũng là mục tiêu của xã hội xã hội chủ nghĩa, là đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Trong năm 2025, chúng ta có ba việc quan trọng:

Việc thứ nhất là phải chuẩn bị thật tốt đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng, theo kế hoạch diễn ra vào quý I năm 2016. Mọi công việc phải tiến hành theo đúng tiến độ. Văn kiện đã được chuẩn bị cơ bản, sẽ được gửi đến các tổ chức đảng để quán triệt, thảo luận về những định hướng lớn của Đảng. Tinh thần là văn kiện phải xây dựng rất ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ tổ chức, dễ kiểm tra, thực sự đi vào lòng dân. Muốn tổ chức tốt Đại hội thì bộ máy tổ chức phải rất rành mạch, rõ ràng từ cấp xã, cấp tỉnh, các cấp ngành.

Việc thứ hai là, Hội nghị Trung ương 11 khoá XIII vừa qua đã bàn rất kỹ về chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhằm xây dựng Nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân. Toàn thể các đồng chí đảng viên và nhân dân cả nước đã biết và ủng hộ chủ trương này để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.

Việc thứ ba là, năm 2025, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải hoàn thiện đồng bộ hạ tầng về chiến lược như hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng số. Bộ Chính trị cũng sẽ sớm ban hành Nghị quyết về kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tham gia sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế đất nước, để ai ai cũng có việc làm, mọi người đều hăng say lao động sản xuất, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội.

Bác Hồ từng căn dặn trước khi Người đi xa "Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Do vậy mục tiêu lớn nhất, trọng tâm nhất, cấp thiết nhất lúc này là phát triển kinh tế xã hội để nâng cao đời sống của nhân dân, để cho mọi người dân từ nông thôn tới thành thị, từ nông dân tới công nhân, từ cụ già tới các cháu bé phải có cơm ăn áo mặc, có cuộc sống an toàn, hạnh phúc; không chỉ ăn no, mặc ấm mà còn phải tiến tới ăn ngon, ăn sạch, mặc đẹp, sống vui, sống khỏe. Đảng có trách nhiệm thỏa mãn nhu cầu ngày một cao hơn về đời sống tinh thần và vật chất cho mọi người dân. Đó là ước nguyện của Bác Hồ, đó là mục tiêu đi tới của Xã hội XHCN. Những quyết định miễn học phí cho học sinh từ mẫu giáo tới hết phổ thông trung học; tăng cường hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu để mỗi người dân được kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm; xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc trong năm 2025; thực hiện các chính sách xã hội thể hiện tính ưu việt của CNXH đối với người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn, người có công với Cách mạng, nhân dân ở những vùng kháng chiến trong chiến tranh, vùng bị chiến tranh tàn phá... đều là "những việc cần làm ngay" mà Trung ương, Chính phủ đã đề ra.

Về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là chủ trương xuất phát từ tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển đất nước lâu dài. Mục tiêu bao trùm của chủ trương này là làm sao nhanh chóng mang lại cuộc sống thực sự ấm no hạnh phúc cho nhân dân, đất nước ngày một hùng cường; để Việt Nam hội nhập mạnh mẽ hơn vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại; mở rộng không gian phát triển, tạo lợi thế so sánh và dư địa phát triển mới cho các đơn vị hành chính mới. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận đánh giá kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt và đi đến thống nhất cao về thực hiện chủ trương này. Nhân dân cả nước đồng tỉnh ủng hộ và coi đây thực sự là một cuộc cách mạng.

Sau sắp xếp, sáp nhập các tỉnh Nam Bộ (Từ Bình Thuận trở vào, tính cả Lâm Đồng và Đắk Nông) từ 22 tỉnh, thành phố xuống còn 9 tỉnh, thành phố, điều này tạo nên không gian phát triển đa dạng, cả về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, đặc biệt đã tận dụng tối đa hình thái không gian biển để kích hoạt liên thông núi rừng-đồng bằng-biển đảo nhằm bổ sung, tương tác, hỗ trợ cùng nhau phát triển nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa vùng miền, địa phương; tạo động lực mới để một số tỉnh có thể trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Đồng thời tạo nền tảng hình thành trung tâm kinh tế lớn trong tương lai gần tương tự như Singapore, Thượng Hải, Dubai, Luân Đôn, New York...

Việc sáp nhập tỉnh nhằm tạo ra những động năng mới, tiềm năng mới, không gian mới cho phát triển. Không chỉ đơn giản là "hai cộng hai bằng bốn" mà phải là "Hai công hai lớn hơn Bốn". Cần Thơ-Hậu Giang-Sóc Trăng; Bến Tre-Trà Vinh-Vĩnh Long trở thành 2 tỉnh mới có thế "Kiềng ba chân" vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng và giàu có. Sức mạnh mới chắc chắn nhân lên nhiều lần. Nhân dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang mới sẽ trở thành người dân có biển, có núi rừng. Tây Ninh có cửa sông lớn nối ra biển lớn. "Người vùng cao" Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng và "Người đồng bằng" Đồng Tháp, Đồng Nai, Vĩnh Long trở thành "Người dân có biển".

Đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố được giải phóng đã tròn 50 năm, thành phố đã nở 50 mùa hoa và Thành phố đã có những thành tựu rất đáng ghi nhận trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Bộ mặt Thành phố đã có nhiều thay đổi tích cực, hiện đại hơn, văn minh hơn, giàu mạnh hơn. Nhưng để "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng" thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

Tôi đã từng trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Thành phố là cần có sự đoàn kết, thống nhất cao hơn nữa; quyết tâm chính trị mạnh hơn nữa; năng động và sáng tạo hơn nữa, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng phát triển Thành phố nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước.

Trong không gian phát triển mới, các địa phương sẽ bổ sung, hỗ trợ, liên kết, đồng hành cùng tiến bước. TPHCM mở rộng sẽ không chỉ bao gồm TPHCM hiện nay cùng Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, mà còn gắn bó sâu sắc hơn với toàn bộ các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang... để "tái thiết kế chiến lược phát triển vùng", nhằm phát huy tối đa lợi thế riêng biệt của từng địa phương để tạo nên một tổng thể mới vượt trội hơn tổng các phần cộng lại.

TPHCM mới sẽ trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Nhưng đồng thời, chính sự tham gia, hợp tác, bổ sung nguồn lực từ các tỉnh thành phía Nam – với những thế mạnh về đất đai, lao động, công nghiệp, nông nghiệp, logistics, du lịch, văn hóa – cũng sẽ là nguồn lực thiết yếu, làm mạnh mẽ hơn sức bật và tầm vóc của TPHCM mở rộng. Đây là quá trình "cùng phát triển", "cùng nâng tầm", với mối quan hệ hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu chung là hình thành một cực tăng trưởng mới có sức cạnh tranh toàn cầu, thân thiện, bền vững, và giàu bản sắc.

Sứ mệnh mới cho TPHCM mở rộng không chỉ là trở thành siêu đô thị quốc tế dẫn dắt khu vực, mà còn là trung tâm liên kết phát triển toàn diện giữa thành phố và vùng – trong đó, các tỉnh phía Nam không chỉ "đồng hành", mà còn chủ động đóng vai trò đối tác chiến lược, cùng kiến tạo không gian kinh tế, văn hóa, xã hội chung. TPHCM mới sẽ thành công nếu cả vùng cùng phát triển; và vùng sẽ thăng hoa khi có TPHCM dẫn dắt, hợp tác, , cùng nhau tiến về phía trước.

TPHCM mở rộng sẽ là trung tâm tài chính, thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và du lịch biển quy mô khu vực, đóng vai trò then chốt trong mạng lưới kinh tế và sáng tạo quốc gia và khu vực. Định hướng phát triển thành phố dựa trên nền tảng công nghệ số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy phát triển bền vững về môi trường, xây dựng một xã hội hài hòa, rộng mở, gắn kết và văn minh, tích hợp, kết tinh những giá trị tiên tiến nhất, tinh hoa nhất của châu Á và thế giới.

TPHCM mở rộng sẽ đóng vai trò hạt nhân, động lực lan tỏa cho sự phát triển toàn diện của vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, và rộng hơn nữa là Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Sự phát triển của thành phố gắn liền, tương hỗ với sự phát triển của các tỉnh thành trong vùng; TPHCM không chỉ "dẫn dắt", mà còn liên kết chặt chẽ, khai thác tối đa lợi thế bổ sung lẫn nhau, xây dựng một không gian kinh tế - văn hóa liên vùng, tạo thành một cực tăng trưởng mới mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Trong quá trình sáp nhập tỉnh, cần đảm bảo: (1) Phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao từ tất cả các địa phương liên quan, việc bố trí cán bộ phải chọn được người có năng lực tốt, bảo đảm cân đối, hài hòa và đoàn kết, khai thác tối đa tài năng, quản lý từ nhiều địa phương; là cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung. (2) Đồng bộ hóa quy hoạch không gian phát triển, xây dựng hệ thống hạ tầng liên thông, hiện đại và tích hợp, kể cả hạ tâng giao thông, hạ tầng viễn thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp... không chỉ trong phạm vi trong đơn vị hành chính mới mà còn kết nối hiệu quả với các tỉnh trong vùng, hình thành mạng lưới hạ tầng đồng bộ của cả vùng. (3) Thống nhất hệ thống pháp lý và thủ tục hành chính: Xây dựng bộ quy chuẩn chung cho đơn vị hành chính mới trên cơ sở hài hòa, kế thừa và nâng cấp từ thực tiễn của từng địa phương. Đồng thời, rà soát toàn bộ các quy định hiện hành, đảm bảo sự minh bạch, thuận tiện, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp cả trong và ngoài đơn vị hành chính mới. (4) Quản lý đất đai và tài sản công một cách công khai, minh bạch và chuyên nghiệp: Đặc biệt lưu ý các khu vực có tiềm năng phát triển lớn, nhằm tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. (5) Thực hiện lắng nghe, giải thích, đối thoại và đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp và các địa phương trong vùng. Làm cho người dân hiểu đúng, tin tưởng, tự hào và tích cực tham gia vào quá trình cơ cấu đơn vị hành chính mới là nhiệm vụ chúng, cơ hội chung của tất cả mọi người.

Sau sáp nhập, yêu cầu: (1) Hình thành một không gian phát triển liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa các khu vực mới và cũ, về quy hoạch không gian, tài chính, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và quản lý đô thị; đồng thời thiết lập các cơ chế phối hợp vùng để đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định và lâu dài cho toàn khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. (2) Điều chỉnh và tối ưu hóa ngân sách, nguồn lực đầu tư, với nguyên tắc phân bổ hợp lý, hiệu quả cho phát triển hạ tầng giao thông liên vùng, dịch vụ công chất lượng cao; đồng thời khuyến khích sự tham gia nguồn lực giữa các tỉnh thành phía Nam theo cơ chế liên kết đầu tư vùng. (3) Chăm lo an sinh xã hội toàn diện, đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển; ưu tiên giải quyết thu hẹp mức chênh lệch phát triển giữa các địa bàn, nhất là các khu vực mới sáp nhập và các địa khó khăn. (4) Bảo vệ nghiêm tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, nhất là tại các tỉnh sáp nhập vừa có rừng, vừa có biển; phát triển phải bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường cho thế hệ hôm nay và mai sau. (5) Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa – thể thao, từng bước thu hẹp khoảng cách chất lượng dịch vụ công giữa các khu vực giữa các đơn vị sáp nhập; xây dựng một nếp sống văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm tốt hơn an ninh xã hội, an toàn để mỗi người dân đều có quyền tự hào, có trách nhiệm đóng góp và hưởng thụ thành quả phát triển. (6) Củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh trật tự, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội trong mọi tình huống, đặc biệt trong bối cảnh địa phương có quy mô lớn, tính liên kết vùng cao và hội nhập quốc tế sâu rộng. (7) Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các cấp ủy đảng. Mở rộng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực, hiện đại, thấm nhuần phương châm "của dân, do dân, vì dân", đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân trong bối cảnh phát triển mới.

Thưa các đồng chí!

Trong thành tựu chung của đất nước, các đồng chí lão thành các mạng, các tướng lĩnh, sĩ quan, anh hùng các lực lượng vũ trang, các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách tiêu biểu, đặc biệt là sự hy sinh to lớn, vĩ đại của các chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân đã làm non sông đất nước vang khúc khải hoàn, trường tồn và phát triển. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tôi trân trọng cảm ơn và mong muốn các đồng chí với nhiệt huyết, trách nhiệm của mình, tùy theo điều kiện của mỗi người, tiếp tục có những đóng góp thiết thực hơn nữa đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, nhân dân và dân tộc ta.

Một lần nữa xin kính chúc toàn thể các đồng chí và gia đình dồi dào sức khoẻ, an khang, thịnh vượng.

Xin trân trọng cảm ơn.

Theo Báo Chính phủ

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.31415 sec| 756.25 kb