Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Quản lý thống nhất tài liệu lưu trữ số, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu

Quản lý thống nhất tài liệu lưu trữ số, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu
Chiều 27/11, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, Luật Lưu trữ là luật chuyên ngành nhưng có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa và khoa học, góp phần tạo nên những giá trị gắn kết lịch sử quá khứ - hiện tại và tương lai. Tài liệu lưu trữ là tài liệu quý giá, là tài nguyên thông tin đa dạng, phong phú, trong đó có rất nhiều tài liệu có giá trị quý hiếm của quốc gia, dân tộc và di sản văn hóa nhân loại.

Quản lý thống nhất tài liệu lưu trữ số, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo đó, việc sửa đổi Luật bám sát nguyên tắc là sửa đổi căn bản, toàn diện trên tinh thần chủ trương của Đảng đối với Luật Lưu trữ; vừa kế thừa, vừa bổ sung, vừa phát triển toàn diện Luật hiện hành, nhất là những chính sách mới về thẩm quyền quản lý tài liệu, về lưu trữ điện tử và tài liệu số, về hoạt động lưu trữ tư, hoạt động dịch vụ lưu trữ, đặc biệt là phát huy giá trị tài liệu. Đồng thời, cũng phải đảm bảo phù hợp thông lệ quốc tế; đảm bảo đồng bộ, không chồng chéo, không xung đột với hệ thống pháp luật hiện hành; giải quyết những vấn đề cốt lõi nhất của lưu trữ là bảo quản, lưu giữ tài liệu.

“Việc phát huy vai trò, giá trị tài liệu lưu trữ là mục tiêu quan trọng, là sứ mệnh của tài liệu lưu trữ, để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam, cũng để thúc đẩy mạnh mẽ hóa lĩnh vực lưu trữ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thông tin hiện có 120 nước có luật lưu trữ và văn bản dưới dạng luật, Bộ trưởng Nội vụ cho hay, đây là rất phong phú cho chúng ta học hỏi. Nhiều nước phát triển trên thế giới đã thực hiện được mục tiêu xây dựng một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ. Nhật Bản phát huy giá trị tài liệu lưu trữ với phương châm lưu trữ bằng chứng tư liệu quá khứ và mọi khả năng của tương lai, toàn dân tham gia lưu trữ.

Liên quan đến thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, Bộ trưởng cho biết, quán triệt chủ trương của Đảng, Quốc hội về phân cấp, phân quyền, khắc phục những bất cập của luật hiện hành, dự thảo luật đã tập trung phân định rõ thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Nhà nước và tư nhân; phân cấp, phân quyền một cách cụ thể, rành mạch giữa cơ quan Trung ương và địa phương, các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, tổ chức tham gia lưu trữ tư.

Dự thảo luật kế thừa Luật Lưu trữ 2011, phân cấp cho UBND cấp xã trực tiếp quản lý, lưu trữ tài liệu lưu trữ. Tuy nhiên, thực trạng đang rất khó khăn, bất cập. Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến đại biểu, thiết kế nội dung này đầy đủ hơn, làm rõ trách nhiệm quản lý của UBND tỉnh, huyện trong việc bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị, cơ cấu nhân lực nhưng không phát sinh biên chế và công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để quản lý lưu trữ, tài liệu lưu trữ đúng theo yêu cầu. Bộ Nội vụ cũng sẽ có trách nhiệm trong việc hướng dẫn cụ thể hơn, nhất là về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ công chức cấp xã thực hiện chức năng, nhiệm vụ này.

Vấn đề lưu trữ tài liệu điện tử, tài liệu số cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về dự án Luật. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, nội dung này được thiết kế thành một chương riêng, mục đích là hướng tới xây dựng một Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền điện tử, chính quyền số và xã hội số, công dân số. Cơ quan soạn thảo đã cố gắng đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, mạng, bảo vệ bí mật nhà nước. Theo đó, đặt ra những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của hệ thống tài liệu lưu trữ số và coi lưu trữ để quản lý thống nhất tài liệu lưu trữ số và tài liệu lưu trữ điện tử khác, đáp ứng được yêu cầu kết nối và dữ liệu thông tin về tài liệu lưu trữ.

Tán thành với ý kiến đại biểu phát biểu phải làm rõ hơn về nghiệp vụ lưu trữ điện tử và lưu trữ số, gắn với chuyển đổi số, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu để hoàn thiện thêm, tính toán để có lộ trình, đảm bảo nguồn lực, bố trí các điều kiện thực hiện việc này một cách nhanh nhất.

“Đây vừa là vấn đề kỹ thuật, vừa là vấn đề nghiệp vụ chuyên môn sâu trong thực hiện tài liệu điện tử, tài liệu số, hay nói cách khác là thúc đẩy chuyển đổi số trong lưu trữ. Đây là trách nhiệm của Bộ Nội vụ, không ai có thể gánh vác được. Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện việc này”, Bộ trưởng khẳng định.

Giải trình về hoạt động lưu trữ tư, Bộ trưởng Nội vụ cho hay, thực tiễn Việt Nam đã xuất hiện nhiều mô hình lưu trữ tư nhân, nhưng chưa được pháp luật quy định một cách đầy đủ. Bộ trưởng thừa nhận chúng ta mới bước đầu tạo được sự chuyển biến về nhận thức và tư duy đối với vai trò, vị trí của lưu trữ tư để nó được sống động, phục vụ cho xã hội bằng cả giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, khoa học và thực tiễn, góp phần hướng tới xây dựng một quốc gia lưu trữ, một xã hội lưu trữ. Đây cũng là xu thế chung của các nước phát triển.

Bộ Nội vụ sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để thiết kế một cách cụ thể hơn, định hướng hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư cho rõ ràng, mạch lạc và quy định quyền, trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân để phát huy tối đa vai trò của khu vực tư trong quản lý lưu trữ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.

Cũng liên quan đến vấn đề lưu trữ tư, Bộ trưởng cho biết, một số hoạt động của dịch vụ lưu trữ sẽ là ngành nghề có điều kiện để phù hợp với yêu cầu quản lý. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và các đại biểu, không quá nặng về vấn đề này, để thúc đẩy xã hội hóa, thúc đẩy khu vực tư cùng tham gia hoạt động lưu trữ. Bộ sẽ cố gắng quy định phạm vi rất gọn, chỉ tập trung đưa ra điều kiện đối với những tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trữ ở phạm vi rộng, tác động trực tiếp trong khu vực công.

Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đặc biệt là phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo luật, đáp ứng được mong mỏi chung của đại biểu Quốc hội, của xã hội.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-tri/quan-ly-thong-nhat-tai-lieu-luu-tru-so-dap-ung-yeu-cau-ket-noi-chia-se-du-lieu-20231127194220734.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.27501 sec| 661.266 kb