Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản phù hợp với thực tiễn; tập trung tháo gỡ, giải quyết và kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương; hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển - Ảnh: VGP/LS

Đẩy nhanh việc đưa chính sách quan trọng của các Chương trình đi vào

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về kết quả thực hiện của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đỗ Đức Hiển đánh giá cao kết quả của Đoàn giám sát và đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết giám sát. Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát tối cao đồng thời 03 Chương trình mục tiêu quốc gia lớn, có tính chất phức tạp cả về hệ thống văn bản hướng dẫn và cả về cách thức tổ chức triển khai thực hiện.

Trên cơ sở bám sát phạm vi, đối tượng và nội dung giám sát, Báo cáo của Đoàn giám sát đã làm rõ những việc đã làm được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân và chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế- vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; kiến nghị nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, tập trung vào nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, cách thức quản lý và tổ chức thực hiện.

Theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, điểm đáng lưu ý là trong quá trình giám sát, các cơ quan của Quốc hội đã đồng hành rất hiệu quả cùng Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương, đơn vị. 

Đồng thời, trên cơ sở kiến nghị của Đoàn giám sát cũng như kết quả của nhiều cuộc khảo sát do Chính phủ thực hiện, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới ngay trong quá trình giám sát.

Từ kết quả cuộc giám sát, để đẩy nhanh quá trình đưa những chính sách quan trọng của các Chương trình mục tiêu quốc gia thực sự đi vào đời sống, đại biểu cho rằng: Chính phủ cần khẩn trương tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong dự thảo Nghị quyết giám sát sau khi được thông qua, nhất là việc xây dựng nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, trong đó có việc thí điểm khoán kinh phí cho 03 Chương trình mục tiêu quốc gia theo địa bàn cấp huyện và các cơ chế đặc thù khác theo đúng tinh thần Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5 và Kết luận Hội nghị Trung ương 8 vừa qua.

Theo đại biểu Quốc hội, quá trình đề xuất nội dung của nghị quyết này, ngoài cơ chế khoán kinh phí theo địa bàn cấp huyện và 06 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình UBTVQH tại phiên họp tháng 10/2023, cũng cần rà soát kỹ các kiến nghị khác tại Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn Giám sát, Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và nghiên cứu thêm các giải pháp, cơ chế đặc thù khác để giải quyết các vướng mắc hiện nay như: Việc chuyển nguồn vốn ngân sách sự nghiệp không còn đối tượng thực hiện để chi cho các dự án đầu tư quy mô nhỏ; phân bổ vốn cho các tỉnh đặc biệt khó khăn theo cơ chế đặc thù; việc thí điểm cho phép chuyển nguồn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia; kiến nghị nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù để Quốc hội xem xét.

Đồng thời, đại biểu bày tỏ tán thành với đề xuất xây dựng nghị quyết này theo trình tự rút gọn nhưng cần bảo đảm hồ sơ chặt chẽ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vì đây là những chính sách mới, đột phá nhưng lại có tính chất quy phạm pháp luật, cần được đánh giá tác động, thẩm định, thẩm tra theo quy định.

"Trên tinh thần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản thuộc thẩm quyền cho phù hợp với thực tiễn; tập trung tháo gỡ, giải quyết những kiến nghị của Đoàn giám sát và kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương; hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình", đại biểu Đỗ Đức Hiển nhấn mạnh.

Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và nội dung các Chương trình mục tiêu quốc gia; có biện pháp quyết liệt thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn đã được phân bổ; tăng cường cơ chế lồng ghép giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác; đồng thời chú trọng công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung thuộc Chương trình bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, đúng quy định. 

Rút gọn thủ tục thực hiện, ban hành giải pháp đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho địa phương

Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Đại biểu Vương Thị Hương: Chương trình mục tiêu quốc gia đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phạm vi, nguyên tắc trong Nghị quyết của Quốc hội - Ảnh: VGP/LS

Trả lời Báo Điện tử Chính phủ, đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (tỉnh Hà Giang) cho biết: Năm 2023, Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề "Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030". 

Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ và đồng thời 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, thể hiện rõ sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đại biểu, để bảo đảm cho việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia lớn này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc trực tiếp các, bộ ngành, địa phương thực hiện Chương trình.

Định kỳ Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương để nắm bắt tình hình thực hiện; chủ trì nhiều buổi làm việc trực tiếp để chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tập trung hoàn thiện việc ban hành cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn này bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phạm vi, nguyên tắc trong Nghị quyết của Quốc hội; các bộ, ngành, địa phương có nhiều cố gắng, nỗ lực; các Chương trình mục tiêu quốc gia đã huy động sự tham gia tích cực của người dân, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị chung tay xây dựng và đạt kết quả thiết thực, góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn, đời sống người dân được cải thiện, bước đầu góp phần giảm nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách chênh lệnh giàu nghèo giữa các vùng, địa phương.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới để 03 Chương trình mục tiêu quốc gia lớn này ngày càng phát huy hiệu quả, đem lại cuộc sống của người dân ngày càng ấm no hơn.

Theo đại biểu, qua giám sát cho thấy kết quả thực hiện giảm tỉ lệ hộ nghèo chưa thật sự bền vững; xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, một số địa phương vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn nông thôn mới còn hạn chế; việc chậm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi thụ hưởng của người dân. 

Các bộ, ngành liên quan còn hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình, nhất là việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, nội dung chưa rõ ràng, khó thực hiện, phần lớn các vản bản ban hành đều có vướng mắc phải sửa đổi, bổ sung. 

Bên cạnh đó, còn có sự chồng lấn về địa bàn, nội dung thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; việc nắm bắt các vấn đề, hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình chưa kịp thời; tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương cả 03 Chương trình còn chậm, nhất là vốn sự nghiệp…

Để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Vương Thị Hương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét từ năm ngân sách 2024, Trung ương giao tổng kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện từng Chương trình mục tiêu quốc gia, không giao dự toán chi tiết đến từng dự án và nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể, để các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện và đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả, giải ngân hết kế hoạch vốn được giao hàng năm.

Đồng thời, cho phép kéo dài nguồn vốn được phân bổ năm 2023 chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến ngày 31/12/2024; đề xuất nghiên cứu rà soát, lồng ghép tích hợp một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần có cùng mục tiêu, phạm vi, đối tượng thực hiện tương đồng vào cùng 01 Chương trình mục tiêu quốc gia để đảm bảo tính đồng bộ, giảm đầu mối để triển khai thực hiện thống nhất trong giai đoạn 2026-2030. 

Khẩn trương tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung những cơ chế chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện, thay đổi cách tiếp cận theo hướng giảm thiểu, rút gọn các thủ tục, quy trình triển khai thực hiện, đồng thời xem xét, ban hành một số giải pháp, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/quoc-hoi-dong-hanh-cung-chinh-phu-trong-thao-go-kho-khan-vuong-mac-khi-thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-102231030083402756.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26278 sec| 683.594 kb