Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với tỷ lệ tán thành cao

Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với tỷ lệ tán thành cao
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 10/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với tỷ lệ tán thành cao
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 443/455 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua Luật, chiếm 88,96%. Như vậy, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Trước khi tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cho thấy, về điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ở tổ chức có sử dụng lao động, do còn có ý kiến khác nhau nên để bảo đảm thận trọng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này. Tổng hợp kết quả cho thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội về các phương án chưa đạt mức độ tập trung cao nên ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức họp, tham khảo ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan để nghiên cứu. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở do nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh; trong đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thì thực hiện theo các quy định chung tại Chương I của Luật này; đồng thời dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (Điều 82).

Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động và các quy định khác có liên quan làm cơ sở để các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả.

Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với tỷ lệ tán thành cao
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân và tên gọi của Ban Thanh tra nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tiếp tục quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay; không quy định về thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

Do vấn đề đổi tên của chế định này chưa nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ tên gọi là "Ban Thanh tra nhân dân" như hiện hành nhưng chức năng, nhiệm vụ của Ban này gồm kiểm tra, giám sát như ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Về bố cục của dự thảo Luật, sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật có 6 chương, 91 điều, giảm 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Theo đó, chương IV của dự thảo Luật về việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động được bố cục thành 2 mục. Mục 1 quy định cụ thể về việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước gồm 4 tiểu mục, Mục 2 gồm 1 điều quy định về việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

Điều hành nội dung biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, lãnh đạo Quốc hội cho biết, trong 5 dự án Luật được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này, dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là luật mới, lần đầu được xem xét thông qua, là dấu ấn của nhiệm Kỳ Quốc hội khóa XV trong việc kịp thời thể chế hóa đường lối Đại hội Đảng lần thứ XIII và định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ khóa XV. Quá trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật được tiến hành dân chủ, thận trọng và khẩn trương. Các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, toàn diện để xây dựng dự án Luật.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-tri/quoc-hoi-thong-qua-luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so-voi-ty-le-tan-thanh-cao-20221110093433590.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.27647 sec| 647.094 kb