Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Quy chế làm việc của Chính phủ đáp ứng yêu cầu thực tiễn chỉ đạo, điều hành

Quy chế làm việc của Chính phủ đáp ứng yêu cầu thực tiễn chỉ đạo, điều hành
Ngày 07/3, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì phiên họp.

 

Quy chế làm việc của Chính phủ đáp ứng yêu cầu thực tiễn chỉ đạo, điều hành

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được xây dựng bám sát chương trình làm việc, các chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc quy định chi tiết thi hành luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Hằng năm, bộ, cơ quan, địa phương đã đề xuất các đề án đưa vào chương trình công tác năm; Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm tra, xác định các đề án đưa vào chương trình công tác, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua để ban hành.

Chương trình công tác tháng, quý, năm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thể hiện đầy đủ những nội dung về cơ quan chủ trì, tên đề án, cấp trình, thời hạn trình cụ thể theo đúng quy định. Quá trình thực hiện, căn cứ yêu cầu chỉ đạo, điều hành, Văn phòng Chính phủ đã thường xuyên rà soát, cải tiến cách thức, phương pháp xây dựng chương trình công tác, như sắp xếp các đề án trong chương trình công tác theo bộ, cơ quan, địa phương chủ trì để thuận lợi hơn trong theo dõi, đôn đốc; lập danh mục các đề án nợ đọng, chưa trình để chủ động, thường xuyên đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương chủ trì; bổ sung các quy định về trách nhiệm kết quả thực hiện chương trình công tác hàng tháng; chương trình công tác được gửi trực tiếp đến Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan để tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình công tác.

Nhìn chung, các quy định về chương trình công tác trong Quy chế làm việc của Chính phủ hiện hành là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn chỉ đạo, điều hành; phát huy hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt việc quản lý, xây dựng và đánh giá kết quả thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chất lượng chuẩn bị, trình các đề án thuộc chương trình công tác ngày càng được nâng cao. Các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi lĩnh vực, địa bàn phụ trách; chủ động đẩy nhanh tiến độ một số đề án đáp ứng yêu cầu của thực tế chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh các kết quả trên, công tác xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn có một số bất cập, tồn tại, hạn chế như: kết quả hoàn thành các đề án trong chương trình công tác năm chưa cao; nhiều đề án được đề xuất đưa vào chương trình công tác nhưng các bộ, cơ quan, địa phương chưa xác định cụ thể thời hạn trình theo từng tháng dẫn đến khó khăn trong xây dựng chương trình công tác và theo dõi đôn đốc;…

Vì vậy, việc xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cần thiết nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính khả thi trong xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình công tác; bảo đảm các đề án trong chương trình công tác được xây dựng đáp ứng yêu cầu về chất lượng, trình đúng tiến độ, khắc phục cơ bản tình trạng xin lùi, xin rút, nợ động các đề án trong chương trình công tác;...

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết tại khoản 1 Điều 8 về quy trình xây dựng, ban hành công tác năm có quy định “Trước ngày 30 tháng 9 hằng năm, Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương đăng ký các đề án vào chương trình công tác năm sau của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ”. 

Tuy nhiên, thực tế việc đăng ký xây dựng Đề án của các Bộ cũng cần nghiên cứu, rà soát và tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, xin ý kiến Lãnh đạo Bộ trước khi đăng ký vào Chương trình công tác của Chính phủ. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa mốc thời gian trước ngày 30 tháng 10 hằng năm cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết số lượng đề án của các bộ, ngành, địa phương trong chương trình công tác có sự khác nhau, dẫn đến việc áp dụng khung tỷ lệ phần trăm cần có sự linh hoạt. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao nhất trí với dự thảo Quy định hiện nay (Điều 23) về việc tỷ lệ phần trăm đề án đã trình, hoàn thành là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.

Quy chế làm việc của Chính phủ đáp ứng yêu cầu thực tiễn chỉ đạo, điều hành
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại cuộc họp thẩm định - Ảnh: VGP/LS

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, có chuyên môn cao của các thành viên Hội đồng thẩm định. Để hoàn thiện hồ sơ xây dựng Quyết định, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các thành viên; đồng thời bám sát các quy định tại Nghị định số 39/2022/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ để xác định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Quyết định.

Cho ý kiến cụ thể về từng nội dung của dự thảo, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, bổ sung thêm quy định chung về thời hạn trình đề án trong các chương trình công tác; nghiên cứu tách riêng nguyên tắc xây dựng với nguyên tắc thực hiện chương trình công tác. 

Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu và điều chỉnh lại quy định về quy trình xây dựng, ban hành chương trình công tác quý, công tác tháng theo hướng cụ thể, rõ ràng từng bước, nêu rõ trách nhiệm của từng bộ, cơ quan, địa phương liên quan; gắn việc tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình công tác với việc đánh giá kết quả cải cách hành chính để thể hiện sự đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, đối với nội dung trách nhiệm, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Thứ trưởng cũng đề xuất nên quy định theo hướng phân cấp độ, có quy định về trách nhiệm chung và trách nhiệm riêng của từng đối tượng.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/quy-che-lam-viec-cua-chinh-phu-dap-ung-yeu-cau-thuc-tien-chi-dao-dieu-hanh-102240307180516502.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 5 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.39500 sec| 659.25 kb