Theo đó, thực hiện Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 4/9/2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3, để đảm bảo công tác y tế trước, trong và sau cơn bão số 3, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu giám đốc các đơn vị khẩn trương triển khai theo dõi sát diễn biến cơn bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng; chủ động đối phó kịp thời với mọi diễn biến của mưa, bão; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh, cán bộ y tế, thuốc, vật tư và trang thiết bị.
Các đơn vị khẩn trương rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất, lưu ý các cửa kính, cửa chớp các phòng trên tầng cao để có biện pháp an toàn; triển khai các biện pháp tăng cường chống gió lốc, ngập úng tại các đơn vị, đặc biệt các đơn vị ở vùng trũng, thấp có khả năng ngập úng cao; đồng thời, các đơn vị đảm bảo công tác an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch trong và sau bão.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị đảm bảo sẵn sàng nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; đảm bảo trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa, bão. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh. Khi có diễn biến bất thường, các đơn vị phải báo cáo kịp thời về Sở Y tế qua số điện thoại đường dây nóng 0967981616 và Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Hà Nội).
* Triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Ninh Bình tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão từ 19 giờ ngày 5/9. Từ 19 giờ, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Ninh Bình tiếp tục triển khai các tổ kiểm soát tại các trạm biên phòng, các cống thuộc đê Bình Minh 3, đê Bình Minh 4 và đường ra Cồn Nổi thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, đồng thời thông báo với ngư dân tạm dừng khai thác và sắp xếp neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.
Thiếu tá Trần Quốc Khánh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Kim Sơn cho biết, Đồn đã tổ chức quán triệt, triển khai đến 100% cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị và duy trì 100% chiến sỹ tại đơn vị để thường trực phòng chống bão số 3. Sau khi quán triệt, đơn vị đã triển khai 6 tổ công tác với 36 cán bộ chiến sỹ đi tuần tra các địa điểm như Cống C1, C2,C3, cống Điện Biên, khu vực cửa Đáy, cửa Càn, huyện Kim Sơn.
Đến chiều 5/9, tất cả 119 phương tiện/267 thuyền viên đã được thông báo về diễn biến và hướng di chuyển của bão để có biện pháp phòng tránh và đã thông báo cho toàn bộ 218 lều chòi/374 lao động chủ động di dời vào nơi tránh trú bão an toàn khi có lệnh.
Chiều 5/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Các địa phương rà soát, tổ chức di dân ra khỏi vùng thấp trũng và vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, thông báo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi trú tránh; tổ chức sắp xếp tàu thuyền ở nơi neo đậu; triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh 2 đến nơi tránh trú bão an toàn; thời gian xong trước 15 giờ ngày 6/9...
Các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt chú ý đến tuyến đê biển Bình Minh 4 và các vị trí đê, kè đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục; khẩn trương hoàn thành gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho lúa, hoa màu và các cơ sở nuôi trồng thủy sản.
* Tối 5/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng họp với lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện để nghe công tác phòng, chống bão số 3.
Sau khi nghe báo cáo về các vị trí xung yếu, việc chuẩn bị nguồn lực phục vụ phòng, chống bão, ông Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các đơn vị chủ động về phương án đưa người ra khỏi khu chung cư cũ và sẽ đến ở tạm một số khu chung cư đủ điều kiện và một số trường học, các trường học do các địa phương bố trí. Công tác này sẽ được triển khai từ trưa 6/9. Tại các trường học được trưng dụng để phòng, chống bão, học sinh được nghỉ học từ trưa cùng ngày. Thứ bày ngày 7/9, toàn bộ học sinh trên địa bàn được nghỉ học. Các địa phương có các hộ dân sống trên các lồng, bè đều phải đưa vào nơi trú ẩn an toàn. Dự kiến trưa 6/9, thành phố Hải Phòng sẽ cấm biển.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu các địa phương chủ động mọi phương tiện để phòng, chống bão. Nếu thiếu phương tiện, các địa phương, đơn vị cần báo cáo ngay Ủy ban nhân dân thành phố để bổ sung khẩn.
Trong ngày 6/9, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra do Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cùng lãnh đạo các đơn vị liên quan kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các quận, huyện.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng, tính đến 14h30, các địa bàn xung yếu gồm huyện Bạch Long Vĩ, huyện Cát Hải, quận Đồ Sơn và các địa phương khác đã huy động các lực lượng để triển khai các phương án đưa tàu thuyền neo đậu an toàn, chằng chống nhà cửa và xây dựng phương án bảo vệ an toàn về người và tài sản.
Hiện trên địa bàn huyện Cát Hải còn 2.077 khách du lịch (1.499 khách quốc tế, 578 khách trong nước), tại quận Đồ Sơn có 200 du khách. Tất cả du khách tại hai địa phương đều được thông báo về tình hình cơn bão. Đến 14 giờ ngày 5/9, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 1.794 phương tiện với 5.219 lao động, 173 lồng bè với 285 lao động, 24 chòi canh với 14 lao động đang hoạt động và neo đậu diễn biến của bão để chủ động phòng tránh bão số 3.
Theo TTXVN