Từ năm 1970, ngày 14 tháng 10 hằng năm đã được 3 tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu thế giới là Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) chọn là Ngày Tiêu chuẩn thế giới nhằm vinh danh những đóng góp và hợp tác của hàng ngàn chuyên gia, tổ chức trên toàn thế giới trong hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.
Năm 2021, ba tổ chức cùng thống nhất Chủ đề: "Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn (Standards for SDGs - Our shared vision for a better world)" nhằm thể hiện vai trò của tiêu chuẩn trong việc đóng góp công cụ để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDG).
Đó là những mục tiêu toàn cầu, phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và bảo đảm tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng, thoát khỏi dịch bệnh, chiến tranh, bão lụt và an toàn trong cuộc sống.
Ngày Tiêu chuẩn thế giới năm 2024 được lựa chọn tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững số 9 là: Công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng bền vững trong thời đại trí tuệ nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phát triển đem lại những cơ hội cũng như thách thức. Đó là vấn đề bảo vệ quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh việc làm, những tiêu chuẩn cần đặt ra cho trí tuệ nhân tạo…
Chia sẻ về định hướng xây dựng tiêu chuẩn cho những công nghệ mới, ông Hà Minh Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cho biết, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã thúc đẩy các hoạt động tiêu chuẩn phải có sự bám sát.
"Trước đây, chúng ta chỉ làm tiêu chuẩn cho những sản phẩm hữu hình mà ít khi nhắc đến tiêu chuẩn cho công nghệ. Nhưng với sự phát triển của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, rất nhiều tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ đã được nghiên cứu và ban hành", ông Hà Minh Hiệp cho biết.
Ông Hà Minh Hiệp lấy ví dụ tháng 12/2023 vừa qua, Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) và Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) đã công bố Tiêu chuẩn ISO/IEC 42001:2023, Công nghệ thông tin - Trí tuệ nhân tạo - Hệ thống quản lý.
Đây là tiêu chuẩn hệ thống quản lý quốc tế đầu tiên dành cho trí tuệ nhân tạo, áp dụng cho tất cả các loại hình công ty trong bất kỳ ngành nào, để bảo đảm việc sử dụng các công nghệ AI một cách an toàn, có lợi và hợp lý, đáp ứng sự phát triển của AI và những thách thức mà nó tạo ra. Tiêu chuẩn này nhanh chóng được nhiều tổ chức xin đăng ký chứng nhận.
Theo ông Hà Minh Hiệp, thời gian qua, Bộ KH&CN đã bám sát vào Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư để ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Do vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn cho những công nghệ này ngày càng cần thiết.
Trong đó, tiêu chuẩn quốc gia cho AI sẽ giúp loại bỏ các vấn đề về rủi ro, nguy cơ mất an toàn hệ thống; tăng cường năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp thâm nhập thị trường, thúc đẩy thương mại, tăng cường năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo.
"Năm 2024 - 2025, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ TT&TT cùng các bộ, ngành liên quan tập trung vào 17 tiêu chuẩn quốc gia trong AI. Phải làm ngay bởi vì nếu không sau này ban hành tiêu chuẩn có thể sẽ bị muộn so với sự phát triển của thực tiễn", ông Hà Minh Hiệp nói.
Cùng với đó, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia sẽ phối hợp xây dựng 8 tiêu chuẩn quốc gia về Cyber security (an toàn thông tin), 3 tiêu chuẩn quốc gia về Cloud computing (điện toán đám mây), 5 tiêu chuẩn quốc gia về IoT (Internet kết nối vạn vật), 3 tiêu chuẩn quốc gia về Big data (dữ liệu lớn) và 5 tiêu chuẩn quốc gia về công nghệ Nano.
Theo Báo Chính phủ