Đây là những nội dung chính tại Hội thảo phổ biến sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình do Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) phối hợp với Viện Khoa học công nghệ xây dựng và Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH – Bộ Công an) vừa phối hợp tổ chức.
5 nhóm vướng mắc liên quan đến QCVN 06:2022/BXD
Ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, QCVN 06:2022/BXD (Quy chuẩn 06) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình được Bộ Xây dựng ban hành ngày 30/11/2022, có hiệu lực từ ngày 16/1/2023. Tuy nhiên, nhiều đơn vị, cá nhân đã gặp phải vướng mắc khi áp dụng QCVN 06:2022/BXD trong thực tiễn.
Bộ Xây dựng đã nhanh chóng tiến hành khảo sát; trao đổi với các địa phương, doanh nghiệp. Thông qua hội nghị, họp báo, hội thảo góp ý, Bộ Xây dựng đã lấy ý kiến, tổng hợp 5 nhóm vướng mắc nổi bật liên quan đến QCVN 06:2022/BXD.
Thứ nhất, sơn chống cháy, QCVN 06:2022/BXD và các phiên bản quy chuẩn trước đây đều không có quy định về sơn chống cháy.
Thứ hai, yêu cầu về giới hạn chịu lửa của một bộ phận, ví dụ như lợp mái. Trong thực tiễn khi xảy ra cháy, bộ phận kết cấu mái bị sập rất nhanh, đặc biệt là của nhà xưởng. Do đó, không có đủ thời gian để cứu hộ, cứu nạn.
Thứ ba, yêu cầu về đặc tính kỹ thuật về vật tư, vật liệu chống cháy. Đây là một trong những yêu cầu cốt lõi về an toàn cháy.
Thứ tư, các địa phương rất quan tâm về vấn đề cải tạo, sửa chữa. Trong lần sửa đổi này, cơ quan nghiên cứu đã làm rõ thời gian áp dụng quy chuẩn khi có cải tạo, sửa chữa công trình.
Thứ năm, nhiều tổ chức, cá nhân phản ánh các quy định, yêu cầu trong QCVN 06:2022/BXD còn cao, đề nghị hạ thấp quy chuẩn để áp dụng tốt hơn trong thực tiễn.
Sửa đổi phù hợp với thực tiễn nhưng không hạ thấp yêu cầu an toàn cốt lõi
Theo Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau một thời gian nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã chủ động tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của QCVN 06:2022/BXD trên cơ sở khoa học, cập nhật phù hợp với thực tế áp dụng.
Bộ Xây dựng luôn quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến quy chuẩn, tiêu chuẩn mới được ban hành. Đối với lần sửa đổi QCVN 06:2022/BXD này, các đơn vị thực hiện đã đề cập rõ nét hơn giải pháp đảm bảo an toàn cháy, thoát nạn khi cháy xảy ra; vai trò của các địa phương trong việc ban hành nội dung liên quan đến cấp nước, đường giao thông cho xe chữa cháy…
"Chúng tôi mong muốn các cá nhân tham gia Hội thảo sẽ có thêm thông tin về nội dung sửa đổi, cùng tham gia thảo luận với các chuyên gia về an toàn cháy. Từ đó, phổ biến sâu rộng tới đơn vị, tổ chức mình nhằm lan tỏa tinh thần của quy chuẩn, đảm bảo tuân thủ quy chuẩn khi áp dụng", ông Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh.
Trình bày tóm lược nội dung sửa đổi 1:2023 của QCVN 06:2022/BXD, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng Cao Duy Khôi cho biết, có nhiều nội dung quan trọng đã được các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, xem xét, sửa đổi.
Theo đó, về điều chỉnh phạm vi áp dụng, nhà ở riêng lẻ, nhà ở riêng lẻ có kết hợp mục đích sử dụng khác và nhà ở riêng lẻ được chuyền đổi sang mục đích sử dụng khác có quy mô cao từ 7 tầng trờ lên (hoặc có chiều cao PCCC từ 25m trở lên); có khối tích từ 5.000m3 trở lên; hoặc có nhiều hơn 1 tầng hầm đến 3 tầng hầm.
Đối với các công trình không thuộc phạm vi của QCVN 06:2022/BXD, có thể áp dụng quy chuẩn khi chủ đầu tư đề nghị và cơ quan cảnh sát PCCC có thẩm quyền chấp thuận.
Về cải tạo sửa chữa, nội dung sửa đổi làm rõ hơn, thu hẹp phạm vi theo hướng đồng bộ với các quy định của Nghị định 136/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi.
Về áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, cho phép áp dụng đồng bộ mà không phải so sánh với QCVN 06:2022/BXD.
Bên cạnh đó, tiến hành phân cấp cho địa phương ban hành quy định về PCCC, cho phép thay thế các yêu cầu của quy chuẩn tùy theo thực tiễn tại địa phương và thẩm quyền theo phân cấp; hình thức thay thế là Quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Bổ sung hoặc sửa đổi các thuật ngữ như gian phòng chung, hành lang bên, lối ra ngoài trực tiếp, nhà hỗn hợp…
Đối với thiết kế theo công năng, nội dung sửa đổi 1:2023 đã làm rõ các tiêu chí thiết kế, nguyên tắc thực hiện mô phỏng cháy. Về nguyên tắc áp dụng yêu cầu an toàn cháy cho nhà hỗn hợp, ngăn cách công năng sẽ được áp dụng yêu cầu an toàn cháy cho từng công năng; khoảng ngăn cách áp dụng theo công năng có yêu cầu cao nhất; phân biệt công năng chính, công năng phụ trợ.
Các nội dung kỹ thuật khác về thoát nạn, ngăn cháy lan, chữa cháy, kết cấu, bảo vệ chống khói, khoang cháy và số tầng cao đều được bổ sung thêm yêu cầu cụ thể gắn với đối tượng theo tính nguy hiểm cháy và thực tiễn xây dựng tại Việt Nam…
Ông Cao Duy Khôi cho rằng, vấn đề an toàn cháy và QCVN 06:2022/BXD nhận được sự quan tâm đặc biệt trên cả nước. Bộ Xây dựng, Bộ Công an luôn nghiêm túc, cầu thị tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu sửa đổi QCVN 06:2022/BXD trên nguyên tắc bổ sung các phương án khác, không hạ thấp yêu cầu an toàn cốt lõi. QCVN 06:2022/BXD được sửa đổi theo hướng chuyển đổi sang luận chứng kỹ thuật, phân cấp cho địa phương. Về lâu dài, cần cấu trúc lại QCVN 06:2022/BXD và các tiêu chuẩn có liên quan.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) phổ biến về nội dung hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà.
Các đại biểu và các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận nội dung xoay quanh sửa đổi 1:2023 QCVN 06:2022/BXD như kiểm định về ống dẫn khói và cung cấp không khí; quy trình kiểm định kính chống cháy, trung tâm kiểm định chống cháy; quy định về nhập khẩu kính và kiểm định loại kính này để sử dụng cho công trình; cấp nước chữa cháy: làm rõ các phương án để tiếp cận đối với xe chữa cháy; việc áp dụng quy chuẩn cho các công trình đã hoàn thiện và đi vào vận hành; quy định về tầng áp mái và tầng khung; sơn chống cháy.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/sua-doi-quy-chuan-06-phu-hop-voi-thuc-tien-nhung-khong-ha-thap-yeu-cau-an-toan-pccc-102231208085720495.htm