
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, chiều nay (15/2), Quốc hội thảo luận ở hội trường đối với Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Thể hiện rõ quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ
Tại phiên thảo luận, có 13 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Các ý kiến đại biểu cho rằng, việc trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8% trở lên thể hiện rõ quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến căn cứ, sự cần thiết xây dựng Đề án; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; bối cảnh, tình hình, khó khăn, thách thức; yêu cầu tăng trưởng năm 2025; kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025; điều kiện để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Về các nhiệm vụ và giải pháp, các ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ngoài ra, các ý kiến đại biểu đề nghị cần có giải pháp đối với các dự án tồn đọng, ban hành gói hỗ trợ nhằm khơi thông các nguồn lực; quan tâm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng chỉ tiêu đánh giá năng lực của cán bộ, công chức để có chế độ, chính sách phù hợp; xây dựng lộ trình cải cách tiền lương; có cơ chế, chính sách đặc thù đối với những địa phương có thế mạnh riêng; giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương; có chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tăng nguồn lực đầu tư ở cả khu vực công và khu vực tư nhân; phát triển kinh tế phải bảo đảm giữ vững quốc phòng, an ninh.
Tăng trưởng nhanh nhưng phải đảm bảo tính bền vững
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trân trọng cảm ơn tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, cho rằng các ý kiến phát biểu rất tập trung, rất có trách nhiệm, rất tâm huyết, sát thực tế và rất sâu sắc.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh rất khó khăn, nhưng Chính phủ đã chủ động trình với Trung ương và Quốc hội cho điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của năm 2025 cũng như cho giai đoạn 2026-2030, năm 2025 là từ 8% trở lên.
Chính phủ đã đặt ra một nguyên tắc là tăng trưởng thì phải nhanh nhưng phải đảm bảo tính bền vững, đó là không ảnh hưởng đến môi trường, không ảnh hưởng đến an sinh xã hội và phải đảm bảo tính ổn định, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, không được đẩy lạm phát lên, các cân đối lớn phải được đảm bảo. Tất cả những vấn đề này là nguyên tắc, khi xây dựng Chính phủ đã chú ý đến những vấn đề như vậy.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết những thuận lợi khi thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025, đó là có sự đồng thuận, thống nhất rất cao và quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đã được tăng cường, củng cố và nâng lên rất cao trong thời gian gần đây. Các quy định mới mang tính đột phá, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Nhiều dự án hạ tầng chiến lược đã được đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác, sử dụng, tạo ra được nhiều không gian phát triển mới. Các cơ hội mới từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại…
Bên cạnh những thuận lợi, các khó khăn, thách thức phải đối mặt đó là tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là chính sách của Mỹ. Nền kinh tế của chúng ta vẫn còn có những rào cản, vướng mắc; các dự án bị tồn đọng, ách tắc, lãng phí các nguồn lực vẫn đang còn chậm được tháo gỡ. Các vấn đề nội tại về khoa học, công nghệ hay chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động rất khó có thể chuyển biến trong ngày một, ngày hai, cần phải có một thời gian nhất định. Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, già hóa dân số cũng là những thách thức rất lớn đối với nước ta.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đề cập đến những giải pháp lớn, trong đó nhấn mạnh phải tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Nhiệm vụ này đã và đang được làm rất tốt và phải tiếp tục phải đẩy mạnh trong thời gian tới.
Đồng thời cần hoàn thành sớm, nhanh việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy và không để gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng hay các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi…
Phải theo dõi sát tình hình thế giới và chính sách của các nước, tìm kiếm chủ động và kiến tạo phát triển, nhất là theo dõi tình hình của Hoa Kỳ. Đẩy mạnh cắt giảm các thủ tục đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi nhất cho khu vực kinh tế tư nhân. Phân cấp, phân quyền triệt để hơn, phát huy hơn nữa các nguồn lực; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 57;…
Theo Báo Chính phủ