Tại hội nghị, trình bày chuyên đề: “Những nội dung, điểm mới quan trọng của Luật Đất đai (sửa đổi)”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chia sẻ: Luật Đất đai sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Luật giải quyết được các vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013. Sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ đang tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm sau khi Luật có hiệu lực thi hành thì hệ thống pháp luật đất đai đã bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành các chính sách của địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, cùng với quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của các năm tiếp theo.
Thứ trưởng cũng đề nghị chính quyền các địa phương cần chỉ đạo cơ quan tham mưu của tỉnh/thành phố bắt tay thực hiện ngay việc xây dựng các chính sách này, nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Luật và các văn bản dưới luật ngay khi có hiệu lực. Một hệ thống pháp luật đất đai hoàn thiện sẽ góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu phát huy cao nhất nguồn lực đất đai để góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở thông tin và đề cương tài liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đầy đủ và đúng về Luật Đất đai (sửa đổi).
Những vấn đề cần tập trung làm rõ như: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhất là về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất; đất đai là nguồn lực to lớn cần được phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững, bảo đảm công bằng xã hội; không để bị suy thoái, hủy hoại, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực... Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội về triển khai thực hiện Luật Đất đai trong thời gian tới.
Ông Phan Xuân Thủy cũng đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và môi trường tổ chức tốt các hội nghị tuyên truyền triển khai sâu rộng Luật Đất đai 2024 ngay sau Hội nghị. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền các kết quả những tháng đầu năm, thực hiện các giải pháp, chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Đây là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/tao-dong-thuan-xa-hoi-trong-trien-khai-thuc-hien-luat-dat-dai-20240424171450094.htm