Cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tây Ninh Nguyễn Hữu Ngân phản ánh tình trạng kho lưu trữ tài liệu của tỉnh hiện nay còn khá nhiều bất cập, bố trí lưu trữ chưa khoa học; công tác phòng cháy chữa cháy không đảm bảo an toàn… cần được quan tâm, đầu tư đúng mức, nhằm đảm bảo tài liệu lưu trữ được an toàn, hiệu quả.
Bà Huỳnh Thanh Nam, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh đề nghị, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) cần bổ sung thêm các quy định về dịch vụ lưu trữ bên ngoài nhà nước, vì hiện nay nhiều trường hợp người dân muốn đảm bảo an toàn giấy tờ quan trọng sẽ chọn ký gửi lưu trữ giấy tờ thông qua các dịch vụ lưu trữ bên ngoài nhà nước nhưng trong dự án Luật chưa có quy định thể hiện rõ trách nhiệm của người nhận ký gửi...
Chỉ rõ những khó khăn trong công tác lưu trữ, ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh Tây Ninh, kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy tại Trung tâm là khá lớn so với kinh phí hoạt động được cấp, nên có nhiều khó khăn cho công tác bảo trì. Chất lượng cơ sở vật chất không đảm bảo, các cửa sổ bị hư hỏng nên khi có mưa lớn kèm theo gió thổi vào gây ẩm tài liệu lưu trữ. Lưu trữ điện tử chưa có quy định rõ ràng; chưa đồng bộ chuyển từ lưu trữ giấy qua lưu trữ điện tử. Do kinh phí ở từng mỗi địa phương, các kho lưu trữ chuyên dụng tại các huyện vẫn chưa đảm bảo diện tích, thiếu cơ sở vật chất nên công tác lưu trữ không đảm bảo. Ông Nguyễn Văn Mạnh kiến nghị ban soạn thảo dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) cần bổ sung có cơ chế, chính sách tài chính phù hợp để đảm bảo công tác lưu trữ được an toàn, hiệu quả.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh kiến nghị cần bổ sung quy định về việc cập nhật kiến thức thông qua các lớp ngắn hạn áp dụng cho đấu giá viên. Quy định hiện nay khá lỏng lẻo, nhiều đấu giá viên chỉ là tập sự, chưa có kinh nghiệm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công tác định giá và đấu giá. Cơ chế quản lý, kiểm soát tổ chức, cá nhân khác tỉnh tham gia đấu giá tại địa phương khác với nơi đăng ký kinh doanh cần được điều chỉnh, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên và có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Việc triển khai đấu giá trực tuyến cần có lộ trình, quy định rõ ràng, nhằm tránh tình trạng thỏa thuận ngầm, dẫn đến kết quả đấu giá thiếu khách quan.
Đại diện Công ty đấu giá hợp danh Khải Hưng kiến nghị cần xem xét lại các quy định về bước giá đấu giá, vì nếu áp dụng bước giá tối thiểu dựa vào phần trăm giá trị tài sản sẽ có trường hợp không phù hợp, bởi bước giá quá cao; nên có quy định bước giá phù hợp, có quy định theo từng tình huống cụ thể; cần quy định chế tài, điều kiện tham gia đấu giá đối với trường hợp tham gia đấu giá nhưng không mua tài sản…
Tại hội nghị, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thúy tiếp thu những kiến nghị, đóng góp ý kiến của các đại biểu và cho biết sẽ chuyển đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/tay-ninh-gop-y-cac-du-an-luat-trinh-ky-hop-thu-6-quoc-hoi-khoa-xv-20231002213719103.htm