Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 965/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Thành viên Hội đồng thẩm định gồm:
- Bộ trưởng các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Tổng Thanh tra Chính phủ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Nguyên, Nghệ An, Đắk Lắk.
- Các chuyên gia phản biện với tư cách là Ủy viên Hội đồng:
+ Chuyên gia phản biện quy hoạch, bao gồm: GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; GS.TS. Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; GS.TSKH. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; PGS.TS. Chu Hồi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, thành viên Ban Chỉ đạo Diễn đàn đại dương toàn cầu; PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS. kiến trúc sư Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Kiến trúc Hà Nội; PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương; TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Chuyên gia phản biện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch, gồm: GS.TS. Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên thường vụ Trung ương Hội Kinh tế Môi trường, Ủy viên Hội đồng biên tập Tạp chí Kinh tế môi trường; PGS.TS. Vũ Thanh Ca, Trường Đại học Tài nguyên và môi trường; PGS.TS. Vũ Hoàng Hoa, Trường Đại học Thủy lợi; TS. Hoàng Văn Thăng, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Phạm Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về Quy hoạch và pháp luật về Bảo vệ môi trường.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định. Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định được sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình hoạt động.
Hội đồng thẩm định hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội quyết định.
Phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 duy trì thứ hạng 25 đến 30 về Chỉ số an toàn, an ninh mạng theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế (Chỉ số GCI).
Xây dựng được hệ thống thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng có khả năng chỉ huy, kết nối, chia sẻ thông tin, tiếp nhận và xử lý sớm các thông tin gây hại tới không gian mạng quốc gia từ các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp viễn thông, internet, dịch vụ nội dung số.
Hình thành lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội và các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; đảm bảo mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước có một bộ phận được giao nhiệm vụ làm đầu mối, chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Khuyến khích các doanh nghiệp khác có một đơn vị bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, trọng tâm là hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật về an ninh mạng. Bảo vệ hệ thống thông tin của 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng (theo Quyết định số 632/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ).
Kinh phí bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt tối thiểu 10% kinh phí chi cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.
12 nhiệm vụ, giải pháp
Chiến lược đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp gồm: 1- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; 2- Hoàn thiện hành lang pháp lý; 3- Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; 4- Bảo vệ hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia; 5- Bảo vệ hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước; 6- Bảo vệ hệ thống thông tin của các lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin; 7- Tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh và phòng, chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng; 8- Làm chủ, tự chủ công nghệ, sản phẩm, dịch vụ đủ khả năng chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng; 9- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; 10- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn, an ninh mạng; 11- Nâng cao uy tín quốc gia và hợp tác quốc tế; 12- Đầu tư nguồn lực và bảo đảm kinh phí thực hiện.
Trong đó, chủ quản hệ thống thông tin triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ và mô hình bảo vệ 4 lớp đối với hệ thống thông tin của các lĩnh vực quan trọng; ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng Make in Viet Nam trong các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Bên cạnh đó, đầu tư nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân liên quan về bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin của các lĩnh vực quan trọng.
Tối thiểu 1 năm/lần tổ chức diễn tập, hướng dẫn, kiểm tra, ứng phó và ứng cứu sự cố an toàn thông tin cho các lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.
Phát triển các Đội ứng cứu sự cố khẩn cấp của 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng (CERT lĩnh vực) theo sự điều phối của Bộ Thông tin và Truyền thông, tham gia vào Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia.
Các cơ quan chuyên trách an toàn, an ninh mạng (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ thông tin về nguy cơ, rủi ro an toàn thông tin mạng cho chủ quản hệ thống thông tin thuộc 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Hình thành mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng
Bộ Công an xây dựng cơ chế, thiết lập đường dây nóng, hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin về tội phạm mạng từ không gian mạng để quần chúng nhân dân phản ánh kịp thời, trực tiếp thông tin, hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng tới cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số. Phát huy vai trò của thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng để hình thành mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng.
Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm quốc gia để kịp thời phát hiện, điều phối, ứng cứu cố sự an ninh mạng; thu thập, chia sẻ thông tin về an ninh mạng giữa Nhà nước và doanh nghiệp, trong nước và thế giới; xây dựng, hình thành nền tảng điều hành, giám sát an ninh mạng thống nhất.
Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy phát triển ứng dụng (app) internet an toàn nhằm bảo vệ người dân trên môi trường mạng; phát triển ứng dụng (app) tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin cho người sử dụng; phát triển nền tảng hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; hướng dẫn tổ chức, cá nhân thay đổi thói quen, hành vi trên môi trường mạng theo các chuẩn mực an toàn...
Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 5053/VPCP-CN ngày 10/8/2022 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Công văn nêu rõ: Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền, người quyết định đầu tư, Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc chỉ định thầu theo đúng quy định của pháp luật, Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022, Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 25/7/2022, Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 25/7/2022 và Nghị quyết số 91/NQ-CP ngày 25/7/2022 đảm bảo nhà thầu được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật khả thi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ về thẩm quyền chỉ định thầu của Thủ tướng Chính phủ, nội dung về công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương trong việc triển khai thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo Nghị quyết của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ khi các bộ, ngành, địa phương có vướng mắc.
Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi làm việc với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 4 để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 241/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại buổi làm việc với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 4 để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Thông báo nêu rõ: Thời gian qua, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhưng kết quả giải ngân 6 tháng năm 2022 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021. Tại cuộc họp, các bộ, cơ quan, địa phương đều báo cáo đã tích cực kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình; tuy nhiên kết quả giải ngân 6 tháng năm 2022 của các bộ, cơ quan và địa phương thuộc Tổ công tác số 4 đều thấp hơn so với mức trung bình cả nước.
Nguyên nhân giải ngân chậm đã được các bộ, cơ quan, địa phương báo cáo, bao gồm cả nguyên nhân khách quan như quy định pháp luật vẫn còn trùng lắp dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất, chậm triển khai; tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu như: công tác chuẩn bị dự án chưa kỹ nên khi triển khai gặp vướng mắc, không giao được vốn hoặc giao vốn nhưng không giải ngân được, công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, trách nhiệm chưa cao, một số các bộ, cơ quan, địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa sâu sát trong nắm bắt tình hình cụ thể của từng dự án để có phương án xử lý dứt điểm; một số Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu kém về năng lực,…
Để phấn đấu đến hết năm 2022, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; khẩn trương rà soát kỹ từng thủ tục, từng khâu trong quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư của từng dự án cụ thể để xác định được khó khăn, vướng mắc, kịp thời xử lý, tháo gỡ, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn; tập trung chỉ đạo quyết liệt về giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng, bảo đảm đúng quy định.
Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện ngay và chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh theo quy định; đối với vốn ngân sách Trung ương vượt thẩm quyền phải có văn bản đề xuất điều chỉnh, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung, báo cáo Chính phủ theo quy định.
Đối với các nội dung liên quan đến hồ sơ quyết toán vốn của các dự án, lãnh đạo các Bộ, cơ quan, địa phương cần chỉ đạo sát sao hơn, họp trực tiếp với các nhà thầu, chủ đầu tư để yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hoàn thiện hồ sơ thanh toán theo quy định pháp luật.
Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng và các bộ liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương để xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng và các vướng mắc khác liên quan đến quy trình, thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân vốn; chủ động xử lý các kiến nghị của các bộ, cơ quan và địa phương./.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-102220811090907435.htm