Giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng
Ngày 8/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Cụ thể, sửa đổi mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 quy định tại Phụ lục II-Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ thành các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định Nghị định số 51/2022/NĐ-CP.
Theo đó, điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%.
Theo Bộ Tài chính, so với nhiều nước, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước hiện nay chủ yếu trong khoảng 40-55% đối với xăng và 35-50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỉ trọng thấp hơn). Trong khi đó, ở nước ta, với mức thuế bảo vệ môi trường đang được giảm về mức sàn theo nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu vào khoảng 19,39% đối với xăng E5RON92, 21,95% đối với xăng RON95 và khoảng 11,05% đối với dầu diesel.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 52/2022/NĐ-CP ngày 8/8/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.
Theo đó, Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.
Bộ Xây dựng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau: Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của bộ đã được phê duyệt và các nghị quyết, dự án, đề án, chương trình theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ Xây dựng quản lý; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác theo phân công.
Đồng thời, ban hành thông tư và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia, định mức kinh tế-kỹ thuật, thiết kế điển hình, thiết kế mẫu, chỉ dẫn kỹ thuật, chỉ tiêu, tiêu chí trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó.
Về quy hoạch xây dựng, kiến trúc, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ tổ chức thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hoặc thẩm định, phê duyệt theo phân công của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch không gian ngầm đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng khi được Thủ tướng Chính phủ giao; chủ trì lập, thẩm định hợp phần về quy hoạch xây dựng trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và các quy hoạch khác theo quy định; ban hành định mức, đơn giá, phương pháp lập và quản lý chi phí trong việc lập, thẩm định và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc…
Về phát triển đô thị, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án quan trọng quốc gia về phát triển đô thị; các chỉ tiêu về lĩnh vực phát triển đô thị trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước theo từng giai đoạn; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách, quy định về: Quản lý quá trình đô thị hóa; quản lý, đầu tư phát triển không gian đô thị (bao gồm không gian trên mặt đất và không gian ngầm), các mô hình phát triển đô thị; quản lý kế hoạch, chương trình nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang đô thị, nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu của đô thị; khai thác, sử dụng và bàn giao quản lý các khu đô thị; hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị; lập và quản lý chi phí các dịch vụ tiện ích trong khu đô thị, chi phí lập và thẩm định khu vực phát triển đô thị, chương trình phát triển đô thị, đề án, báo cáo phân loại đô thị; thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận loại đô thị đối với các đô thị loại đặc biệt, loại I và loại II; quyết định công nhận loại đô thị đối với các đô thị loại III và loại IV…
Về nhà ở, Bộ xây dựng Chiến lược nhà ở quốc gia cho từng thời kỳ, chỉ tiêu phát triển nhà ở và kế hoạch nhà ở trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước hàng năm và theo từng giai đoạn; tổ chức thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng các cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ nhà ở cho từng nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định pháp luật; quy định và hướng dẫn tiêu chí xác định nhu cầu nhà ở trong nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hướng dẫn định mức kinh phí để xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương…
Về thị trường bất động sản, Bộ có nhiệm vụ xây dựng các đề án, chính sách phát triển, quản lý thị trường bất động sản; chỉ đạo thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản…
Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng gồm: Vụ Quy hoạch-Kiến trúc; Vụ Vật liệu xây dựng; Vụ Khoa học công nghệ và môi trường; Vụ Kế hoạch-Tài chính; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Thanh tra; Cục Kinh tế xây dựng; Cục Quản lý hoạt động xây dựng; Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; Cục Phát triển đô thị; Cục Hạ tầng kỹ thuật; Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản; Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị; Báo Xây dựng; Tạp chí Xây dựng; Trung tâm Thông tin.
Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 941/QĐ-TTg ban Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021-2025.
Xây dựng một cơ chế hiệu quả
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL) có hiệu quả ở Việt Nam vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; thực hiện trách nhiệm thành viên của Việt Nam trong Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG).
Bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, góp phần phòng, chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền, TTKB/TTPBVKHDHL, tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính và các đối tượng báo cáo khác, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và hướng tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.
Nâng cao hiệu quả đánh giá rủi ro quốc gia và hợp tác trong nước trên cơ sở cập nhật đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền (RT)/TTKB/TTPBVKHDHL và xây dựng kế hoạch hành động nhằm giải quyết rủi ro được xác định trong kết quả đánh giá rủi ro quốc gia; sửa đổi, bổ sung, xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực có rủi ro cao về RT/TTKB/TTPBVKHDHL.
Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát đối với tất cả các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của các bộ, ngành; đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL và nghiên cứu, triển khai, áp dụng thanh tra trên cơ sở rủi ro về RT/TTKB/TTPBVKHDHL.
Nâng cao công tác điều tra, xét xử tội rửa tiền
Kế hoạch đưa ra mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thu hồi tài sản đối với tội rửa tiền/TTKB, đặc biệt đối với các lĩnh vực có rủi ro cao trên cơ sở hợp tác trong và ngoài nước thông qua các cơ chế hợp tác chính thức và phi chính thức; thực hiện có hiệu quả quy trình điều tra, truy tố song song tội rửa tiền với tội phạm nguồn của tội rửa tiền; xây dựng, hoàn thiện quy trình/trình tự điều tra tài chính song song, truy tìm, ngăn chặn, tịch thu tài sản đối với các tội phạm nguồn có rủi ro cao.
Nâng cao hiệu quả công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL trên cơ sở tăng cường nguồn lực, đặc biệt tăng cường nguồn lực cho Cơ quan phòng, chống rửa tiền (Cục Phòng, chống rửa tiền) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; nâng cao nhận thức và tăng cường hiệu quả hoạt động của các đơn vị làm công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL ở các bộ, ngành có liên quan…
Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đã đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu quốc tế và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác đánh giá rủi ro RT/TTKB/TTPBVKHDHL và hợp tác trong nước; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo các đối tượng báo cáo tuân thủ các quy định pháp luật về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL, hướng đến áp dụng cách tiếp cận trên cơ sở rủi ro; tiếp tục tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử và tịch thu, thu hồi tài sản, đặc biệt đối với các tội phạm nguồn được xác định có rủi ro cao về RT/TTKB/TTPBVKHDHL; nâng cao hiệu quả công tác PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL…
Theo Kế hoạch, một số bộ liên quan sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện quy định xử phạt vi phạm hành chính về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL; nghiên cứu đối với lĩnh vực tài sản ảo để ngăn chặn hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam; tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về PCRT/TTKB/TTPBVKHDHL đối với tất cả các lĩnh vực thuộc quyền quản lý nhà nước của các bộ, ngành.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toàn án nhân dân tối cao tăng cường hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội RT/TTKB đặc biệt với các lĩnh vực được xác định rủi ro cao…
Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 944/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Các ủy viên Hội đồng gồm: Đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Xây dựng; Công Thương; Công an; Quốc phòng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng Chính phủ; Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bên cạnh đó, ủy viên Hội đồng gồm: Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Lắk, Kiên Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Quảng Bình; chuyên gia: TS. Nguyễn Thành Vạn-Tổng hội Địa chất Việt Nam.
Ủy viên phản biện: TS. Trần Tất Thắng-Tổng hội Địa chất Việt Nam; TS. Nguyễn Đắc Đồng-Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Địa chất Việt Nam; TS. Mai Thế Toản-Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường.
Cơ quan thường trực Hội đồng là Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hội đồng thẩm định có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìm đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu 7
Tại văn bản 699/TTg-TCCB, Thủ tướng Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu 7 đối với đồng chí Thiếu tướng Du Trường Giang, sinh tháng 10 năm 1963, đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định./.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-8-8-102220809081633251.htm