Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ: Triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án) được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, quyết định phê duyệt các dự án thành phần được Quốc hội phân cấp làm cơ quan chủ quản. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Việc lập, thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo từng dự án thành phần.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần

Nghị quyết nêu rõ: Nhóm dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Chủ tịch UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư tổ chức lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi và quyết định phê duyệt dự án.

Nhóm dự án thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị): Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao cơ quan chuyên môn hoặc đơn vị có chức năng tổ chức lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần đường song hành. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội quyết định phê duyệt dự án thành phần thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị).

Chủ tịch UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh giao cơ quan chuyên môn hoặc đơn vị có chức năng tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) để trình Bộ Xây dựng thẩm định. Trên cơ sở báo cáo thẩm định Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh quyết định phê duyệt dự án thành phần thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) trên địa bàn.

Bộ Xây dựng giao cơ quan chuyên môn thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án thành phần thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh.

Dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư: UBND thành phố Hà Nội tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình thẩm định theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với dự án thành phần 3 do UBND thành phố Hà Nội xây dựng. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phê duyệt dự án thành phần 3.

Việc quản lý và sử dụng vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công trong dự án thành phần 3 được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 70 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Nghị quyết nêu rõ: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu , các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư liên quan đến các dự án thành phần bằng nguồn vốn đầu tư công trong 2 năm 2022 và 2023. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Chính phủ cho phép UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Đồng thời, Chính phủ cho phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu; các công việc khác có liên quan để bảo đảm tiến độ triển khai các dự án thành phần; các thủ tục nêu trên cần tuân thủ đúng các giai đoạn, bước thiết kế xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Đưa dự án vào khai thác từ năm 2027

Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ, chất lượng, hiệu quả công trình đối với các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư và cấp có thẩm quyền theo các quy định hiện hành trong tổ chức thực hiện các dự án thành phần, đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành Dự án năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành liên quan đến Dự án để kịp thời điều chỉnh theo quy định hiện hành, đảm bảo phát huy hiệu quả đầu tư của Dự án.

Chính phủ yêu cầu 3 địa phương trên chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn vốn theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội; điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần theo thẩm quyền của người quyết định đầu tư trong trường hợp không làm tăng tổng mức đầu tư của dự án thành phần đó. Trường hợp tăng tổng mức đầu tư của dự án thành phần, giao cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền của dự án thành phần có trách nhiệm cân đối bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án thành phần đó.

UBND các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hà Nội trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư dự án thành phần trên địa phận từng địa phương và dự án thành phần 3.

UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 31/1/2023 và thực hiện các công việc tiếp theo, bảo đảm khởi công trước 30/6/2023.

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải vừa ký Quyết định số 87/QĐ-BCĐCTTĐQG ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo này.

Theo đó, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện các Dự án theo Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo), gồm:

1. Đường Hồ Chí Minh.

2. Các dự án đường bộ cao tốc: Bắc-Nam phía Đông; Bến Lức-Long Thành; Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; Biên Hòa-Vũng Tàu; Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng: Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

4. Các tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

5. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

6. Các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác mà Ban Chỉ đạo thấy cần thiết.

Nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần Ban Chỉ đạo

Nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần của Ban Chỉ đạo được quy định tại Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là Trưởng Ban Chỉ đạo.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành (Phó Trưởng ban Thường trực), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Các Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm lãnh đạo một số bộ, ban ngành Trung ương.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Bên cạnh đó, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, điều hòa phối hợp và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ về đầu tư xây dựng các dự án nêu trên theo đúng các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đối với các dự án; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc triển khai thực hiện các dự án theo quy định; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các công việc sau đây:

Tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện các dự án theo chức năng, nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện các dự án; kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất các giải pháp để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư công trình, dự án, các tổ chức tư vấn, các nhà thầu trong việc thực hiện những nhiệm vụ đã được xác định trong chủ trương đầu tư các dự án hoặc quyết định phê duyệt của từng dự án thành phần để đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng công trình.

Quyết định cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo.

Là đầu mối phối hợp chỉ đạo hoạt động của các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ đề ra

Trưởng ban, Phó Trưởng ban, các Ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện cho các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm về phần việc được phân công; Trưởng ban hoặc người được Trưởng ban ủy quyền quyết định các nội dung công việc theo quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Trưởng ban, Phó Trưởng ban khi ký các văn bản chỉ đạo được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; các Ủy viên Ban Chỉ đạo khi ký các văn bản để thực hiện nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu của bộ, ngành, địa phương đó.

Ban Chỉ đạo phân công từng thành viên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kiểm tra việc thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành; kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc xây dựng mới cơ chế, chính sách và những giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, là đầu mối phối hợp chỉ đạo hoạt động của các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ đề ra, tổ chức thực hiện quy chế phối hợp và kế hoạch triển khai thực hiện các dự án.

Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban triệu tập và chủ trì các phiên họp thường kỳ hàng tháng (hoặc hàng quý) và các phiên họp đột xuất khi cần. Các thành viên có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo theo yêu cầu của nội dung phiên họp và chuẩn bị nội dung báo cáo theo quy định.

Nội dung phiên họp thường kỳ, đột xuất của Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá các mặt hoạt động của Ban Chỉ đạo, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn và các nhà thầu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Ban Chỉ đạo. Việc tổ chức các phiên họp được thực hiện cho một hoặc một số dự án.

Phê duyệt phạm vi cửa khẩu chính Phước Tân, tỉnh Tây Ninh

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 18/8/2022 của Chính phủ phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu chính Phước Tân, tỉnh Tây Ninh.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định lấn biển

Xét đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự thảo Nghị định quy định lấn biển, tại Công văn số 5353/VPCP-NN ngày 18/8/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các vấn đề sau:

- Rà soát, xem xét, cân nhắc, xác định đúng cơ sở pháp lý, cơ quan có thẩm quyền quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai cho nhà đầu tư dự án lấn biển ngay sau khi được giao đất, cho thuê đất lấn biển khi đất lấn biển chưa hình thành (khoản 3 Điều 16).

- Rà soát, xem xét, cân nhắc, xác định đúng cơ sở pháp lý, cơ quan có thẩm quyền quy định việc đưa khu vực biển để lấn biển khi chưa hình thành đất lấn biển vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (khoản 1 Điều 15 dự thảo Nghị định) và quy định việc quản lý, sử dụng khu vực biển này theo chế độ quản lý, sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (khoản 3 Điều 15 dự thảo Nghị định); tính đồng bộ thống nhất với các quy hoạch có liên quan khi đưa khu vực biển để lấn biển vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Xem xét tính hợp lý của việc quy định 02 cấp có thẩm quyền giao khu vực biển để lấn biển (Điều 9). Việc phân cấp phải kiểm soát được bằng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình và công cụ kiểm tra.

- Làm rõ khái niệm, các cơ sở và cách xác định đất có mặt nước ven biển quy định tại Điều 140 Luật Đất đai 2013.

Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, đưa ra Thường trực Chính phủ thảo luận, cho ý kiến.

Phó Thủ tướng yêu cầu sau khi Thường trực Chính phủ thống nhất, thông qua nội dung dự thảo Nghị định, giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký văn bản xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung của dự thảo Nghị định theo tinh thần của Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/ 11/2020, Quốc hội khóa XIV và quy định của pháp luật hiện hành./.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.27481 sec| 694.328 kb