Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 5/7

Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 5/7
Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 5/7.

Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030.

Mục tiêu chung của Nghị quyết là thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách lớn đã đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong bối cảnh nước ta đang triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, trong đó trọng tâm là: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nhanh chóng phục hồi kinh tế vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển, tăng cường sự gắn kết lợi ích với các đối tác và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo đảm quốc gia.

Chuyển hóa các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế thành kết quả cụ thể tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ

Mục tiêu cụ thể là chuyển hóa các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt được thành kết quả cụ thể trong việc tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; nâng cao khả năng hấp thụ khoa học công nghệ và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển các khu vực kinh tế trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, hiện đại, hội nhập hơn.

Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước phát triển hơn trong khu vực và thế giới.

Tăng cường hợp tác công-tư, huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có hỗ trợ của các cơ chế đa phương, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp... trong quá trình thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt các cam kết trong các FTA.

Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các tác động tiêu cực từ bên ngoài; tăng cường khả năng ứng phó và xử lý linh hoạt hiệu quả trước các diễn biến trên thế giới có thể xảy ra đe dọa ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất nhập khẩu, giao dịch thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế của các ngành kinh tế; hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam; tạo điều kiện, môi trường để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc.

Nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí của pháp luật quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; chủ động, tích cực tham gia xây dựng quy tắc pháp lý quốc tế; tận dụng tối đa pháp luật quốc tế trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế, nhất là trong giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh.

Đẩy mạnh hợp tác, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chủ động, tích cực tham gia hội nhập kinh tế số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số của Việt Nam theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế: trong đó chú trọng vào khai thác hiệu quả các FTA nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường. Tích cực đàm phán các hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng như tham gia vào các mô hình, khuôn khổ hợp tác và liên kết mới về kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện chính sách thương mại phù hợp với điều kiện của đất nước và hội nhập quốc tế.

5 giải pháp trọng tâm

Để đạt được các mục tiêu, Nghị quyết đưa ra 5 giải pháp quan trọng: 1- Cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế; 2- Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; 3- Thực thi hiệu quả các FTA; 4- Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19 và phát triển bền vững; 5- Hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực văn hóa xã hội, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng.

Về cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế, Nghị quyết triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế... và cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, các thủ tục không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tra cứu và thực thi.

Xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát của các lĩnh vực kinh tế-xã hội áp dụng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới/tích hợp để có chính sách quản lý phát triển kịp thời và phù hợp nhằm thúc đẩy kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp…

Về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính bình đẳng, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh mang đến sự ổn định và dễ dự đoán của chính sách. Đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thực chất hơn để giải quyết triệt để được những vấn đề còn vướng mắc đối với môi trường kinh doanh. Khắc phục tình trạng thiếu kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đối với từng lĩnh vực phụ trách.

Tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch, xây dựng thương hiệu; phát triển thương mại điện tử để tăng cường khả năng giao dịch, tìm kiếm, mở rộng thị trường…

Để thực thi hiệu quả các FTA, Nghị quyết đưa ra giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành; phát huy hiệu quả cơ chế tham vấn giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong quá trình đề xuất, lựa chọn đối tác và xây dựng phương án đàm phán các FTA mới cũng như trong việc tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu; ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp trong các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng xuất khẩu.

Tiếp tục thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết về hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết trong các FTA; nghiên cứu, đề xuất phương án đàm phán các FTA mới cũng như nâng cấp một số FTA đã ký kết; nghiên cứu và tập trung triển khai có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là kế hoạch thực thi các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP…

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký văn bản 622/TTg-TH ngày 5/7/2023 về việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan.

Văn bản nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 365/CĐ-TTg ngày 04/5/2023 và văn bản số 513/TTg-TH ngày 5/6/2023 gửi các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan; Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý.

Đến ngày 1/7/2023, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan. Theo đó, trong tổng số 1.192 kiến nghị, đề xuất được phản ánh đã gửi đến các bộ, cơ quan, qua rà soát, số kiến nghị, đề xuất thực tế nhận được là 1.038 kiến nghị, đề xuất.

Đến nay, các bộ, cơ quan liên quan đã giải quyết 769/1.038 kiến nghị, đề xuất (đạt tỷ lệ 74%); còn 269/1.038 kiến nghị, đề xuất đang tiếp tục được nghiên cứu, giải quyết (chiếm tỷ lệ 26%). Một số bộ, cơ quan đã giải quyết, trả lời 100% số kiến nghị, đề xuất nhận được, như: Nội vụ, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

Một số bộ, cơ quan có số lượng kiến nghị, đề xuất nhận được lớn và có tỷ lệ giải quyết, trả lời cao, như: Kế hoạch và Đầu tư (161/177 đạt 91%), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (78/87 đạt 90%), Tài chính (148/200 đạt 74%). Các bộ, cơ quan cam kết sẽ khẩn trương nghiên cứu, giải quyết, trả lời, hướng dẫn đối với những kiến nghị còn lại theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao các bộ, cơ quan trong thời gian qua đã quyết liệt, nỗ lực, cố gắng trong rà soát, giải quyết, hướng dẫn, trả lời các kiến nghị, đề xuất được gửi đến; từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, bộ, ngành và cả nước. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác này dẫn đến còn các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan chưa giải quyết, trả lời kịp thời; còn tình trạng bỏ sót, bỏ quên các kiến nghị, đề xuất không được giải quyết.

Khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ, không xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan gửi đến

Thời gian tới, để phát huy kết quả tích cực đã đạt được, đề cao tinh thần, trách nhiệm của các bộ, cơ quan trong thực thi công vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ, không xử lý kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan gửi đến; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương và Công điện số 365/CĐ-TTg ngày 4/5/2023 về khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; theo dõi, chỉ đạo sát sao để xem xét, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan bảo đảm kịp thời, đúng hạn; không để chậm trễ, bỏ sót, không để ách tắc công việc tại bộ, cơ quan mình. Xác định việc giải quyết hoặc hướng dẫn, trả lời kịp thời, đúng hạn các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là tiêu chí quan trọng trong đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân, cán bộ, công chức.

Đối với những kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành nhưng đến nay chưa giải quyết xong, phải tập trung, khẩn trương giải quyết ngay hoặc nếu chưa giải quyết được thì phải trả lời, hướng dẫn rõ ràng cho địa phương, bộ, ngành trước ngày 15/7/2023; không để chậm trễ hơn nữa.

Đối với những kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan không thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ, ngành:

- Phải có ngay văn bản chuyển cơ quan có thẩm quyền và thông báo cho địa phương, cơ quan có kiến nghị, đề xuất biết hoặc gửi trả lại văn bản và trả lời, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể.

- Trường hợp thuộc chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhưng vượt thẩm quyền giải quyết của bộ, cơ quan, phải khẩn trương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định, không để chậm trễ, kéo dài; đồng thời thông báo cho địa phương, cơ quan có kiến nghị, đề xuất biết.

Phối hợp với địa phương, cơ quan liên quan rà soát các nội dung kiến nghị, đề xuất được địa phương, cơ quan phản ánh nhưng không nhận được văn bản; khẩn trương giải quyết theo thẩm quyền và quy định đối với những kiến nghị, đề xuất này sau khi nhận được.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng các cơ quan có kiến nghị, đề xuất chủ động, tích cực giải quyết các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định. Khi gửi kiến nghị, đề xuất phải nghiên cứu, rà soát kỹ để gửi đúng bộ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ liên quan theo quy định để bộ, cơ quan có đủ cơ sở xem xét, giải quyết.

Sau khi gửi kiến nghị, đề xuất phải chủ động phối hợp, trao đổi thường xuyên, tích cực đôn đốc các bộ, cơ quan xem xét, giải quyết; trường hợp cần thiết, đề nghị làm việc với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan để xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất theo quy định.

Hằng tháng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan chưa được các bộ, ngành giải quyết kịp thời (nếu có).

Văn phòng Chính phủ chủ động, thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị, đề xuất của các địa phương, cơ quan; trường hợp cần thiết, tổng hợp, báo cáo đề xuất Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách xem xét, có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc kịp thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-5-7-102230706084658785.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25040 sec| 682.047 kb