Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Thủ tướng chỉ thị đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững

Thủ tướng chỉ thị đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Thủ tướng chỉ thị đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững
Thủ tướng chỉ thị đảm bảo vững chắc lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.

Chị thỉ nêu: Trong thời gian vừa qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo có xu hướng tăng cao do một số nước cấm xuất khẩu, giảm lượng gạo bán ra, một số nước khác tăng mua dự trữ gạo, Thỏa thuận ngũ cốc biển Đen hết hiệu lực, ảnh hưởng các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai và hạn hán... Tại Việt Nam, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý. 

Để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường và uy tín của gạo Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ. 

Đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo. Khẩn trương triển khai xây dựng, thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu lúa, gạo trong nước và xuất khẩu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Kịp thời hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp và các hộ nông dân tuân thủ nghiêm các quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu.

Chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo

Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật; theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu, kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó cần quy định chặt chẽ, cụ thể, khả thi về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, chất lượng lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu, các thương nhân phải liên kết với người trồng lúa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo…, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Gạo Việt Nam, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam; khai thác hiệu quả cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta là thành viên nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam. Hướng dẫn, hỗ trợ các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế, nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Kịp thời hỗ trợ người sản xuất và các thương nhân 

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ giao, chủ động, kịp thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá, hỗ trợ người sản xuất lúa, xuất khẩu gạo và các thương nhân theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương tính toán, cân đối việc dự trữ gạo phù hợp, hiệu quả, dứt khoát không được để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh...

Xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao

Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động chỉ đạo, điều hành tổ chức sản xuất lúa, gạo đảm bảo mục tiêu về năng suất, chất lượng, sản lượng theo kế hoạch. Kịp thời cung cấp thông tin tới các bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ sản xuất trên địa bàn để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chủ động nắm bắt tình hình, thông tin mới, ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh tại địa phương để định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại lúa, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ sản xuất trên địa bàn nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành, địa phương kịp thời cập nhật và chuyển tải các thông tin về tình hình cung - cầu lúa, gạo, các quy định, chính sách mới của các thị trường ngoài nước tới các hội viên của Hiệp hội. Kịp thời báo cáo các bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh và đề xuất biện pháp xử lý, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và hiệu quả trong điều hành xuất khẩu gạo.

Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo, hướng dẫn hội viên Hiệp hội mua thóc, gạo hàng hóa, duy trì mức dự trữ lưu thông bắt buộc, bình ổn thị trường theo các quy định của pháp luật; chú trọng tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng thâm nhập vào các thị trường mục tiêu và khai thác các cam kết ưu đãi trong các FTA; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo ứng phó có hiệu quả với các rào cản kỹ thuật của các thị trường mới và các biện pháp phòng vệ thương mại; phối hợp đấu tranh trên mọi cấp độ, mọi đối với các biện pháp bảo hộ thương mại quá mức, không phù hợp với cam kết quốc tế của các thị trường nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho doanh nghiệp hội viên.

Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của các bộ, ngành liên quan và theo quy định của Chính phủ; chủ động theo dõi tình hình thương mại gạo toàn cầu, trao đổi thông tin cùng Hiệp hội lương thực Việt Nam để kịp thời báo cáo các bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh và đề xuất biện pháp xử lý. Tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, đặc biệt thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng để tránh bị lừa đảo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Chỉ thị này cùng các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại: Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03 tháng 7 năm 2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo; Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-chi-thi-dam-bao-an-ninh-luong-thuc-thuc-day-san-xuat-xuat-khau-gao-ben-vung-102230806121231532.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26862 sec| 670.734 kb