Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Thủ tướng: Đã tìm phương án tốt nhất, song mất mát của người dân không thể bù đắp

Thủ tướng: Đã tìm phương án tốt nhất, song mất mát của người dân không thể bù đắp
Thủ tướng nhiều lần nghẹn giọng, bật khóc khi đề cập tới sự tàn phá, hậu quả nặng nề và những mất mát, thiệt hại của người dân, của đất nước.

Sáng 15/9, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Cùng tham dự tại các điểm cầu các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương.

Nỗ lực hết mình trước siêu bão lịch sử

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời thăm hỏi, , chia buồn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các cơ quan, địa phương, đơn vị và nhất là những gia đình có người tử vong, mất tích, bị thương do siêu bão số 3 gây ra.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng nhiều lần nghẹn giọng, bật khóc khi đề cập tới sự tàn phá, hậu quả nặng nề và những mất mát, thiệt hại của người dân, của đất nước.

Thủ tướng: Đã tìm phương án tốt nhất, song mất mát của người dân không thể bù đắp
Thủ tướng nhiều lần nghẹn giọng, bật khóc khi đề cập tới sự tàn phá của bão số 3 (Ảnh: VGP).

Thủ tướng yêu cầu trình ban hành Nghị quyết trong ngày mai (16/9) để tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, siêu bão Yagi là cơn bão lịch sử với các yếu tố: Cường độ rất lớn, giật đến cấp 17; tốc độ cao, sức tàn phá lớn; phạm vi rất rộng; đối tượng tác động nhiều (người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng kinh tế-); thời gian oanh tạc dài trên đất liền trên diện rộng; gây thảm họa về sạt lở, lũ ống, lũ quét kinh hoàng; hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản; tác hại đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đặc biệt là tâm lý của người dân.

Thực tiễn cho thấy công tác , cảnh báo cơ bản sát tình hình, ngoại trừ một số yếu tố như hậu quả của hoàn lưu bão chưa thật chính xác. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão rất đồng bộ, quyết liệt, bài bản dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế.

Bộ Chính trị đã có Kết luận ngày 9/9; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo, thăm hỏi, động viên kịp thời, đưa các giải pháp ngay tại hiện trường; Thường trực Chính phủ đã có các cuộc họp, hội ý, trao đổi trực tiếp và gián tiếp; lãnh đạo Chính phủ tới hiện trường tại các địa phương.

Riêng Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 công điện; chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả diễn biến tình hình, nhất là những diễn biến đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra như lũ ống, lũ quét, sập cầu, vỡ đê, vỡ đập…; thành lập Sở chỉ huy tiền phương ứng phó bão tại Hải Phòng.

Thủ tướng: Đã tìm phương án tốt nhất, song mất mát của người dân không thể bù đắp
Lãnh đạo các địa phương tại cuộc họp (Ảnh: VGP).

Các cơ quan, lực lượng đã hướng dẫn hơn 50.000 tàu cá về nơi tránh trú, tổ chức sơ tán khoảng 53.000 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, nhà yếu; sơ tán, di dời khoảng 80.000 hộ dân với trên 130.000 người tại các vùng ngập sâu do lũ đến nơi an toàn. Huy động gần nửa triệu người, 6.600 phương tiện ứng phó với bão; hơn 100.000 lượt người và hơn 2.100 lượt phương tiện ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét.

Tuy nhiên, bão số 3 và hoàn lưu bão vẫn gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản. Đến thời điểm này đã có hơn 350 người chết và mất tích, hơn 2.000 người bị thương; 230.000 nhà ở, nhiều trụ sở, trường học, cơ sở khám chữa bệnh bị tốc mái, hư hỏng; gần 70.000 nhà bị ngập; trên 190.000 ha lúa, 48.00 ha hoa màu, 31.000 ha cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; hơn 3.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 21.000 gia súc và trên 2,6 triệu gia cầm bị chết. Nhiều cơ sở hạ tầng bị tàn phá. Tình trạng sạt lở, ngập lụt, chia cắt giao thông cục bộ xảy ra ở hầu hết các địa phương.

Công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ đã được các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên quan tâm chỉ đạo sát sao.

Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương trên 350 tỷ đồng, 300 tấn gạo… và đang tiếp tục thống kê để hỗ trợ. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, với tổng số tiền đến nay là trên 1.000 tỷ đồng.

Mất mát không gì có thể bù đắp được

Phân tích các nguyên nhân khiến bão gây hậu quả rất lớn, Thủ tướng cho rằng bên cạnh những nguyên nhân khách quan, vẫn còn tình trạng một số người dân còn chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng; lãnh đạo, chỉ đạo có nơi, có lúc chưa quyết liệt; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu...

Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học : Bám sát tình hình, dự báo chính xác; công tác tuyên truyền, vận động phải nhanh, kịp thời, rộng rãi; chỉ đạo kịp thời, chính xác, phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng: Đã tìm phương án tốt nhất, song mất mát của người dân không thể bù đắp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: VGP).

Các bộ, ngành, địa phương, các cấp phải chủ động, tích cực với "3 trước, 4 tại chỗ" trong phòng chống và khắc phục hậu quả. Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

"Chúng ta đã nỗ lực hết mình. Chúng ta đã tìm phương án tốt nhất trong các phương án có thể, chúng ta tìm cái còn trong cái mất... Song mất mát không gì có thể bù đắp được là tính mạng và tinh thần của người dân, những gia đình có người thân thiệt mạng", Thủ tướng xúc động.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương các bộ ngành, các tỉnh thành phố đã thể hiện trách nhiệm rất cao, nỗ lực rất lớn, hành động rất quyết liệt để làm tốt nhất trong khả năng có thể; cảm ơn nhân dân đã vào cuộc với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Quân đội, Công an.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác thi đua khen thưởng với các tổ chức, cá nhân làm tốt, nhất là những người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; phê bình và xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, lơ là, không hoàn thành nhiệm vụ.

6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các mục tiêu sắp tới: Không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói bị rét, thiếu nước sạch, không có chỗ ở, các sinh hoạt thiết yếu hằng ngày; khắc phục hậu quả siêu bão số 3 có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 7%; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.

Thủ tướng chỉ rõ nhóm 6 nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục hậu quả bão, gồm: Tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương. Bố trí chỗ ở tạm thời cho người bị mất nhà, có nhà hư hỏng, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch cho người dân; cứu chữa người ốm đau.

Rà soát, kiểm tra, bằng mọi cách tiếp cận những nơi bị chia cắt, cô lập để hỗ trợ, tiếp tế người dân. Tập trung cả hệ thống chính trị, các lực lượng người dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Không để mất điện, mất sóng viễn thông và các dịch vụ thiết yếu. Sửa chữa ngay cơ sở y tế, giáo dục để các cháu được tới trường, người bệnh được chữa bệnh.

Thủ tướng: Đã tìm phương án tốt nhất, song mất mát của người dân không thể bù đắp
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: VGP).

Thứ hai, nhóm 8 giải pháp ổn định tình hình cho nhân dân, gồm: Rà soát, thống kê thiệt hại của nhân dân và Nhà nước, hỗ trợ ngay cho người dân bị thiệt hại, cố gắng ổn định tại chỗ như bố trí chỗ ở tại nhà văn hóa thôn, bản, cơ sở của công an, quân đội trên địa bàn.

Thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ, giải quyết hậu sự cho những người xấu số; giải quyết chính sách theo quy định. Rà soát các thôn bản bị vùi lấp, các gia đình mất nhà, tổ chức tái định cư tại nơi an toàn, chậm nhất tới 31/12/2024 phải hoàn thành, yêu cầu là nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, nhà ở có nền cứng, vách cứng, mái cứng.

Rà soát, thống kê, sửa chữa các trường lớp, thiết bị để trong tháng 9 này tất cả các cháu học sinh trở lại trường. Kết nối giao thông thông suốt, làm tốt công tác an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các địa phương thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ cho các gia đình. Nghiên cứu miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng.

Thứ ba, nhóm các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp...; điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong xả lũ và tích nước.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng...; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...

Thứ tư, nhóm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát. Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thu ngân sách, cung ứng xăng dầu, điện nước; sử dụng hiệu quả tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả, chống tham nhũng, lãng phí, trục lợi; cung ứng đủ hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh; kiểm soát giá cả, không để găm hàng, đội giá, tranh thủ lúc khó khăn để trục lợi...

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan xây dựng, triển khai chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện.

Bộ Nông nghiệp xây dựng đề án chống hạn mặn, sạt lở, sụt lún tại ĐBSCL. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án khảo sát, đánh giá, phòng chống sạt lở trên cả nước.

Các cơ quan xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích một số ngành, lĩnh vực có thể phát triển bứt phá, tăng tốc như các ngành chíp bán dẫn, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính...

Nhóm nhiệm vụ thứ năm là giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nhóm nhiệm vụ thứ sáu là đẩy mạnh hợp tác quốc tế đồng thời phát huy tinh thần tự lực, tự cường.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để tích cực, chủ động tổ chức thực hiện đúng, trúng, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn nói trên.

Đồng thời, tiếp tục kêu gọi tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn, phát huy tinh thần "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt"; "ai có gì giúp nấy, ai có của giúp của, ai có công giúp công, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp, tất cả vì nhân dân, vì đất nước".

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.42680 sec| 682.953 kb