Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Tiếp cận bao trùm chính sách để giải quyết các thách thức trong công tác dân số và phát triển

Tiếp cận bao trùm chính sách để giải quyết các thách thức trong công tác dân số và phát triển
Giải quyết các thách thức của công tác dân số và phát triển cần có cách tiếp cận bao trùm chính sách về kinh tế, chính trị, an sinh xã hội, giáo dục…; hướng đến sự hài hòa, hợp lý của quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số giữa các vùng, miền.

Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia dân số và phát triển tại Hội nghị triển khai công tác Ban Chỉ đạo năm 2024, chiều 15/3, tại Trụ sở Chính phủ.

Tiếp cận bao trùm chính sách để giải quyết các thách thức trong công tác dân số và phát triển
Cán bộ dân số tuyên truyền , cung cấp dịch vụ y tế - kế hoạch hóa gia đình thuộc đề án "Kiểm soát dân số vùng biển, đảo, ven biển - Đề án 52" của Bộ Y tế cho người dân khu vực đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế). Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới (Nghị quyết số 21) đã chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, “đầu tư cho dân số là đầu tư cho phát triển”. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết cho thấy những thách thức đặt ra đối với công tác dân số và phát triển vẫn còn phức tạp như: Mất cân bằng khi sinh, mức sinh thấp, di cư...

Nhấn mạnh tài nguyên con người sẽ thay thế tài nguyên thiên nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, cùng với nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực phát triển đất nước bền vững. Tuy nhiên, những thách thức lớn đối với công tác dân số và phát triển hiện nay cho thấy sự suy giảm về nhận thức, hiểu biết về tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển; thiếu chỉ đạo thống nhất, nhất quán từ Trung ương đến địa phương; nơi cần tăng mức sinh thì lại giảm và ngược lại…

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tiếp thu, bổ sung vào nội dung sơ kết Nghị quyết số 21; tham khảo về công tác dân số của các nước trong khu vực và thế giới; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nhận thức chính xác, đúng đắn, đầy đủ nội hàm, tầm quan trọng của chính sách dân số và phát triển; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực dân số và phát triển; tham mưu phương án tổ chức bộ máy trong lĩnh vực dân số đồng bộ, thống nhất, kèm theo phương án bố trí kinh phí, nhân sự hoạt động.

Bộ Y tế cũng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ thu thập, thống kê các chỉ tiêu dân số; làm rõ những nội dung trong hoạt động quản lý nhà nước về dân số, nhất là chế độ kiểm tra,

Thích ứng với thời kỳ dân số già hóa

Theo báo cáo của Bộ Y tế, quy mô dân số năm 2023 của Việt Nam khoảng 100,3 triệu dân, tốc độ tăng dân số 0,84%. Số lượng và tỷ trọng dân số đang trong độ tuổi lao động chiếm gần 70% dân số, trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện nhiều mặt về thể chất, tuổi thọ, trình độ văn hóa, tư vấn sức khỏe sinh sản; giảm tảo hôn, cận huyết thống…

Song, quy mô dân số lớn cũng gây áp lực đối với hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, , môi trường đô thị, nông thôn. Đáng chú ý, mô hình dân số Việt Nam đang có nghịch lý như mức sinh thay thế ở miền núi cao hơn đồng bằng, nông thôn cao hơn thành thị; nhóm đối tượng nghèo nhất thường sinh nhiều con hơn so với các nhóm còn lại. Tỷ số giới tính khi sinh vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên (104 - 106 bé trai/100 bé gái)...

Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh (dự kiến bước vào thời kỳ già hóa dân số vào năm 2038) sẽ tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực của xã hội như hệ thống chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, việc làm.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật chưa rõ nội hàm về dân số. Mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân. Nguồn lực chưa đáp ứng đủ yêu cầu phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản. Tổ chức, bộ máy làm công tác dân số thiếu thống nhất, liên tục thay đổi, biến động. Ngân sách nhà nước chưa phân bổ riêng cho công tác dân số, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội.

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học cho biết, qua quá trình nghiên cứu mô hình dân số ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc..., đã chỉ ra một số vấn đề ảnh hưởng đến quy mô, chất lượng dân số: Chi phí sinh hoạt, tăng cao so với thu nhập người lao động; thời gian làm việc dài; phụ nữ vừa phải làm việc nhà, vừa làm việc xã hội; môi trường không thân thiện với trẻ em…

Do đó, các thành viên Ban Chỉ đạo, đại diện bộ, ngành, địa phương, chuyên gia... tập trung thảo luận giải pháp, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý và cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động trong công tác dân số và phát triển; đề xuất các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tính cấp bách của công tác dân số đối với sự phát triển bền vững của đất nước; chuẩn bị giải pháp thích ứng với thời kỳ dân số già hóa…

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-phu-voi-nguoi-dan/tiep-can-bao-trum-chinh-sach-degiai-quyet-cac-thach-thuc-trong-cong-tac-dan-so-va-phat-trien-20240315204530651.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26184 sec| 655.203 kb