Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Chiều 21/9, tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (dự kiến diễn ra vào tháng 10/2022).

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Các đại biểu chủ trì hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Hội nghị có sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành, đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam.

Theo đại diện Ủy ban Xã hội của Quốc hội, trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả các thiết chế nhà nước, cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu khai mạc tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022), được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và tại hội trường. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và nhất trí với nhiều nội dung chính của dự án Luật. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.

Sau một thời gian lấy ý kiến, bổ sung và chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 6 chương, 56 điều, ít hơn 6 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3; trong đó bỏ 3 điều (2, 47 và 61) trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3; bổ sung 3 điều (33, 39, 55). Dự thảo so với Luật hiện hành năm 2007, tăng 10 điều. Các chính sách sửa đổi trong dự thảo Luật bao gồm 3 nội dung chính: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu. 

Nêu 5 nhóm điểm mới của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Luật sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm; thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong phòng có chống, trong chống có phòng. Dự thảo mạnh dạn sửa đổi, bổ sung các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Cùng với đó, Dự thảo Luật khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của nhà nước trong bố trí nguồn lực cho công tác này, hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo cho ý kiến về Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Các ý kiến cho rằng, quy định vẫn chưa logic, bị lẫn đối tượng là người bị bạo lực và người có hành vi bạo lực gia đình.

Các nội dung ở Điều 25 và Điều 26 liên quan việc cấm tiếp xúc, các ý kiến cho rằng, khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, chủ tịch UBND xã và tòa án tự mình ra quyết định cấm tiếp xúc, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối là chưa phù hợp, vì khi người bị bạo lực bị đe dọa đến tính mạng, việc bảo vệ cần phải được xem xét là bắt buộc.

Liên quan đến nội dung về cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, nhiều ý kiến cho rằng, không nên quy định điều kiện đối với cơ sở này, vì đây không phải là loại hình kinh doanh; cần làm rõ điều kiện thành lập hoạt động của cơ sở với điều kiện kinh doanh để xem xét việc bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 55...

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/lay-y-kien-ve-du-thao-luat-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-sua-doi-20220921193234845.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.37923 sec| 659.125 kb