Hội nghị được thực hiện bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ trụ sở Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân quận Hai Bà Trưng đến quận Đống Đa, quận Ba Đình và 56 phường của 3 quận với 1.225 cử tri đại diện cho cử tri của các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng tại các điểm cầu.
Quốc hội dân chủ, trách nhiệm, đổi mới
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thông báo kết quả nội dung Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.
Sau khi nghe thông báo, đa số cử tri đánh giá cao những nội dung được bàn thảo, quyết định tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, thể hiện tính dân chủ, trách nhiệm và rất tâm huyết, hợp lòng dân. Hoạt động giám sát tối cao thông qua chất vấn và trả lời chất vấn được nâng cao, có nhiều đổi mới trong hoạt động chất vấn như chọn đúng vấn đề, hỏi nhanh đáp gọn cho thấy sự kế thừa và phát huy những kết quả, kinh nghiệm trong các kỳ họp trước.
Các cử tri cho rằng, không khí làm việc của Quốc hội sôi nổi, các vị đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, xây dựng vào các nội dung của chương trình Kỳ họp. Các cử tri nhấn mạnh, thành công của Kỳ họp lần này tiếp tục khẳng định những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một Quốc hội “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm”, một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân; thể hiện rõ các đại biểu Quốc hội là người đại diện của nhân dân, gắn bó với nhân dân, được cử tri và nhân dân giám sát chặt chẽ.
Các cử tri đánh giá cao những chỉ đạo, chủ trương, quyết sách đúng đắn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, sự vào cuộc tập trung để giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong tất cả các lĩnh vực.
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 bước đầu đạt được kết quả tích cực, nhất là công tác tiêm chủng đã triển khai nhanh và bao phủ rộng khắp các địa phương.
Cử tri kiến nghị cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tình hình dịch bệnh; bảo đảm thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế; tăng cường đầu tư cho tuyến y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; thiết lập và thống nhất nền tảng công nghệ dùng chung cho toàn quốc trong phòng, chống dịch bệnh. Nhà nước tiếp tục quan tâm đẩy mạnh hơn nữa chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19, ưu tiên cho những người có nguy cơ cao, đẩy nhanh tiến độ tự sản xuất vaccine trong nước, nghiên cứu kế hoạch tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc điều trị để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.
Để tiếp tục giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm và đời sống của nhân dân, cử tri cho rằng cần xây dựng ngân sách dự phòng cho an sinh xã hội, thực hiện các chính sách giúp đỡ những người từ vùng dịch trở về quê có việc làm và ổn định đời sống; tiếp tục có chính sách ưu đãi đối với thầy thuốc, những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Về phục hồi và phát triển kinh tế, cử tri đề nghị, ban hành chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế, trước hết là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 mà Quốc hội vừa thông qua, sớm quyết định các gói tài chính hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển kinh tế, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm và có chính sách đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế các doanh nghiệp giải thể và tiếp tục có các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát, đảm bảo cho nền kinh tế -xã hội phục hồi và phát triển.
Cử tri bày tỏ tin tưởng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua đã quyết tâm, quyết liệt, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, từ đó củng cố, giữ vững niềm tin cho nhân dân. Cử tri kiến nghị, Quốc hội cần có cơ chế giám sát, quản lý, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải trị tận gốc, xử lý nghiêm người vi phạm; nâng cao chất lượng giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và đặc biệt là giám sát hoạt động của các cơ quan để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư mua sắm, thu, chi ngân sách và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, phát hiện và ngăn chặn vụ việc tiêu cực trước khi xảy ra.
Chủ động các phương án, không để bị động trong phòng, chống dịch COVID-19
Với tư cách là thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu các ý kiến sâu sắc, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, thiết thực, cụ thể nhưng mang tầm chiến lược và trách nhiệm của cử tri, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, với tinh thần làm việc khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 16,5 ngày, được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Với phương châm linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, hiệu quả, thiết thực và thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh, một số đề xuất đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến được áp dụng và đạt kết quả tốt.
Để các Nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, Tổng Bí thư nêu rõ, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện tốt các luật, nghị quyết vừa được thông qua; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chú trọng công tác giám sát, đánh giá để phát huy những mặt tích cực và khắc phục những bất cập, hạn chế.
Trao đổi với cử tri về những vấn đề được thảo luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Hội nghị Văn hóa toàn quốc là một trong những hội nghị lớn được triển khai nhằm xây dựng chương trình, kế hoạch cho 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Với tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp tuyệt đối của Đảng, Hội nghị đã ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trước kia là dùng chữ tham nhũng, lãng phí, nhưng lãng phí thì hẹp quá mà phòng, chống tham nhũng không thì lại sót. Cho nên điểm mới là có chữ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tiêu cực thì nghĩa rất rộng, nhưng trọng tâm ở đây chủ yếu là sự suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nó là cái gốc, nó dẫn đến tham nhũng, nếu không suy thoái thì làm gì phải đi tham nhũng, nếu đạo đức tốt thì làm gì phải tham nhũng.
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, chính quyền Thành phố Hà Nội và nhân dân tuyệt đối không được chủ quan, phải chủ động các phương án, không để bị động, vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn tập trung phát triển kinh tế, giữ được ổn định chính trị - xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, những ý kiến của cử tri ba quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng sẽ được các đại biểu Quốc hội tổng hợp để chuyển đến các cơ quan chức năng, tháo gỡ vướng mắc, giải quyết kiến nghị của cử tri.
Theo TTXVN