Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Tổng Bí thư Tô Lâm: Luật Nhà giáo khi ban hành phải tạo cho thầy cô sự phấn khởi, được tôn vinh

Tổng Bí thư Tô Lâm: Luật Nhà giáo khi ban hành phải tạo cho thầy cô sự phấn khởi, được tôn vinh
Lưu ý Luật Nhà giáo chắc chắn được các thầy cô giáo rất chờ đón, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu luật khi ban hành phải tạo cho thầy cô thực sự phấn khởi, được tôn vinh.

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa thầy - trò

Sáng 9/11, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật Nhà giáo, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 sáng nay Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật này.

Tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời chúc mừng tới các thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, trước hết vị trí của giáo dục và đào tạo rất có ý nghĩa về chiến lược công tác cán bộ. Trong công tác cán bộ, đào tạo cán bộ là quan trọng, đã nói tới đào tạo là phải có thầy. Đây là đột phá quốc gia và là trọng tâm.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, trong đào tạo thì người thầy là người rất quan trọng. "Người thầy là chủ thể chính", Tổng Bí thư nói.

Thêm nữa, Tổng Bí Thư cho rằng, đã nói thầy là nói trò, trong Luật Nhà giáo cần giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa thầy và trò, mối quan hệ rất quan trọng.

Dẫn chứng về thực hiện chính sách phổ cập giáo dục, Nhà nước có chính sách các cháu đến tuổi được đi học là phải được đến trường, nên theo Tổng Bí thư Tô Lâm, không thể nói là thiếu giáo viên, thiếu thầy cô được. "Có trò là phải có thầy để dạy, cần phải có quy định rõ", Tổng Bí thư cho hay.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Luật Nhà giáo khi ban hành phải tạo cho thầy cô sự phấn khởi, được tôn vinh
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại tổ về Luật Nhà giáo (Ảnh: Phạm Thắng).

Tổng Bí thư cho biết, hiện để nắm số lượng các cháu đến trường mỗi năm tại từng địa phương là rất dễ dàng nhờ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho nên phải căn cứ vào đó để có phương án bố trí thầy cô.

"Qua dữ liệu dân cư thì biết ngay từng xã, phường, huyện, thành phố sẽ có bao nhiêu cháu đi học. Như vậy là có trò rồi thì phải chủ động có thầy. Thiếu thầy thì các cháu đi học thế nào? Cái gì dẫn đến thiếu thì phải giải quyết. Mà đã có trò, có thầy thì phải có trường. Không thể quy hoạch, quản lý mà không có trường được", Tổng Bí thư phát biểu.

Tổng Bí thư cho biết đây là vấn đề đang rất thời sự, chúng ta đang nhắc đến tình trạng thiếu giáo viên, không có biên chế, chưa kể đến các vùng sâu, vùng xa.

Tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên

Thêm một vấn đề được Tổng Bí thư đề cập là xác định người thầy là một nhà khoa học. Do đó, mối quan hệ giữa nhà giáo - nhà khoa học như thế nào, cần được thể hiện, khái quát trong dự thảo luật.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đất nước hội nhập thì lĩnh vực giáo dục - đào tạo hội nhập thế nào, thầy cô hội nhập thế nào?.

"Vừa rồi, chúng ta tuyên bố phổ cập tiếng Anh trong giáo dục, vậy thầy giáo bắt buộc có trình độ tiếng Anh thế nào? Thầy ở đây có quy định là người nước ngoài không. Người làm giảng dạy ở nước ngoài đến Việt Nam dạy thì có phải là thầy giáo không, có phải chấp hành các quy định của Luật Nhà giáo không?", Tổng Bí thư nêu vấn đề.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Luật Nhà giáo khi ban hành phải tạo cho thầy cô sự phấn khởi, được tôn vinh
Quang cảnh phiên thảo luận tổ sáng 9/11 (Ảnh: Phạm Thắng).

Đồng thời cho rằng, hiện chúng ta đang tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, thì các yêu cầu tiếng Anh đối với thầy cô giáo cần có quy định cụ thể.

Ngoài ra, về chính sách về học tập suốt đời. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, nếu quy định "khô cứng" trong luật thì rất khó, không thể hiện được tinh thần học tập suốt đời, trong đó có các đề xuất về tuổi nghỉ hưu của nhà giáo.

"Người già còn đi học. Thầy đến tuổi bảo nghỉ hưu, không được giảng dạy nữa thì rất khó khăn, trong khi chúng ta là chính sách học tập suốt đời. Thầy càng lớn tuổi thì thầy rất có uy tín, nếu chúng ta quy định không phù hợp thì không huy động được nguồn lực", Tổng Bí thư nói và cho rằng cần phải khuyến khích hóa, khuyến khích thầy giáo lớn tuổi tham gia công tác giáo dục, giảng dạy.

Tổng Bí thư cũng lưu ý việc cụ thể hóa chính sách ở những môi trường giáo dục đặc biệt để tạo điều kiện công tác cho giáo viên, như các thầy ở các trường trong trại giam, một số nơi ở miền núi thầy phải dỗ dành trò đến trường, nuôi trò đi học, những điều đó người thầy đều phải hy sinh.

"Tôi đi miền núi thấy khó khăn. Nhà học sinh cách trường 20 - 30 km thì làm sao đi hàng ngày được. Nội trú khó khăn, trò không có nơi ăn ở sinh hoạt, thầy lại càng không, thế thì làm sao được. Cô giáo đi lên trường miền núi chả có thanh niên nào cả, chỉ có công an với bộ đội biên phòng, thế bây giờ lấy chồng thế nào? Cả tuổi thanh xuân ở đấy thế nào? Bộ đội, công an xã cũng không có nhà công vụ thì ai giải quyết vấn đề này?", Tổng Bí thư và cho rằng, những chỗ rất đặc biệt phải có chính sách cụ thể.

Nhấn mạnh, Luật Nhà giáo chắc chắn được các thầy cô giáo rất chờ đón, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu luật khi ban hành phải tạo cho thầy cô thực sự phấn khởi, được tôn vinh, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy.

"Đừng để luật ban hành các thầy lại thấy khó khăn hơn", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25722 sec| 654.922 kb