Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

TỔNG THUẬT: Tọa đàm 'Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng'

TỔNG THUẬT: Tọa đàm 'Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng'
Ngày 18/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng”, với sự tham gia của các vị khách mời là các bác sĩ, các chuyên gia y tế, gồm PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).

Việc thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau về trước", với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay đã giúp Việt Nam ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Có thể nói, đến nay, hầu hết các hoạt động kinh tế- trên cả nước đã từng bước trở lại trạng thái bình thường mới khi những biện pháp hạn chế, kiểm soát đi lại được dỡ bỏ. Tuy nhiên, để cả nước thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, thì việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, giống như những "mảnh ghép" cuối cùng, rất quan trọng.

Trẻ em là tương lai của đất nước. Đảng, Nhà nước, người dân luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt, những điều tốt đẹp nhất để các em được phát triển đầy đủ, toàn diện cả về trí tuệ, tinh thần, thể chất. Vì vậy, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi là vấn đề hết sức quan trọng, được cả xã hội quan tâm, chú ý. Chúng ta không thể nóng vội, mà phải đi từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ.

Xung quanh nội dung trên, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm có chủ đề "Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng", với sự tham gia của các vị khách mời: PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Nhi Trung ương và PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Đó là những thông tin rất đáng khích lệ từ việc tiêm chủng. Các em thiếu nhi ở Hà Nội từ 12-18 tuổi không có trường hợp nào phải nhập viện như Bác sĩ Điển đưa ra là thông tin để thúc đẩy chương trình tiêm chủng cho trẻ em. TPHCM có nhiều trong việc phòng chống COVID-19, PGS.TS BS. Nguyễn Thanh Hùng có thể gì từ TPHCM?

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM: Vaccine là để chiến thắng trong cuộc chiến COVID-19. Tại TPHCM và các tỉnh phía nam trong cả năm 2021 và đặc biệt là từ tháng 7/2021, đã trong đỉnh dịch. Với hơn 30 năm trong ngành y, lần đầu tiên tôi chứng kiến trận dịch ngoài sức tưởng tượng.

Trong cuộc chiến này, vaccine đóng vai trò rất quan trọng, bao phủ được 2 mũi vaccine cho người lớn và đến mũi thứ 3 chúng ta thấy hiệu quả của vaccine. Ngoài những công tác khác thì vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc giảm số người mắc COVID-19. Sau chuyện người lớn được tiêm vaccine thì sự lo lắng dồn qua trẻ em dưới 18 tuổi. Tôi nhớ khoảng tháng 10/2021, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước đến TPHCM, nhiều người dân gọi cho bác sĩ quan tâm đề xuất với Chủ tịch nước, Chính phủ, Bộ Y tế tiêm cho các cháu dưới 18 tuổi. Đặc biệt là các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch mà ở nhà người thân chưa được tiêm. Các cháu học sinh nghỉ học bị tác động nhiều bởi tâm sinh lý, phụ huynh muốn con em được đi học bình thường, sinh hoạt như người lớn. Một trong những điều làm cho người dân yên tâm là sớm tiêm cho các cháu. Qua kiến nghị của người dân và cử tri, Chính phủ đã triển khai tiêm cho các cháu dưới 18 tuổi, đây là chủ trương vô cùng đúng đắn. Đã có cơ sở thực tiễn từ các nước tiến bộ như Mỹ và châu Âu. Ở Việt Nam, đây là điều thể hiện Nhà nước, Chính phủ quan tâm đến người dân.

Chúng tôi đã triển khai tiêm cho các cháu từ 12-18 tuổi 100% an toàn. Hiện trường học mở cửa trở lại. Học sinh từ lớp 6 đến 12 yên tâm đi học. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ tháng 7/2021, điều trị hơn 2.000 ca COVID-19, trong đó trẻ em từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi là 1.100 trường hợp. Sau tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi từ tháng 11/2021, số nhập viện giảm hẳn. Cụ thể tháng 11/2021, có 163 trường hợp các cháu nhập viện; tháng 12/2021: 150 trường hợp. Đến tháng 1/2022 chỉ có 75 trường hợp.

Có nhiều yếu tố dẫn đến trẻ em nặng nhập viện giảm. Tuy nhiên tiêm vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ca mắc và nhập viện.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Các vị khách mời đánh giá thế nào về hiệu quả ban đầu của việc tiêm vaccine trong phòng chống lây nhiễm, điều trị COVID-19 ở nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, hiện đang điều trị trong hai Bệnh viện Nhi hàng đầu của đất nước?

PGS.TS Trần Minh Điển: Hiệu quả của vaccine chúng ta đều đánh giá là cơ bản và hữu hiệu để đẩy lùi COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khuyến cáo cần phải đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng hơn nữa, đặc biệt cho nhóm người nguy cơ và nhóm yếu thế. Nhóm yếu thế ở đây đang là nhóm trẻ em.

Trong thời gian qua, chúng ta đã tiêm đến 17 triệu liều cho trẻ từ 12-17 tuổi an toàn. Đây là vấn đề mà ngành y tế và cán bộ nhân viên y tế đang hết sức cố gắng. Chúng tôi đã đưa ra kế hoạch cho điều dưỡng tiêm. Chúng ta đã làm rất tốt, an toàn. Trên thực tế, tại Hà Nội, tình hình dịch bệnh đang diễn ra và nhóm trẻ được tiêm chủng đã đi học. Khi các cháu bị nhiễm thì tình trạng nhẹ. Chưa có trường hợp nào được tiêm chủng từ 12-17 tuổi phải nhập viện. Với nhóm này chúng ta đã làm giảm tình trạng phải nhập viện, giảm thiểu được dấu hiệu chuyển nặng của bệnh.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Bây giờ chúng ta thấy khá nhiều nước, trong đó có những nước khoa học kỹ thuật tiên tiến, đã tin, chấp nhận việc tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Quả thực đây là những thông tin để người dân của chúng ta suy nghĩ rằng sự cần thiết đó không chỉ là với một nước nào đấy, mà rất nhiều nước có trình độ phát triển đã chấp nhận. Rõ ràng phải có căn cứ từ mặt lý thuyết cũng như thực tiễn nghiên cứu để có quyết định như thế. Để củng cố thêm dữ liệu cho chúng ta trên cơ sở tư duy xem triển khai như thế nào, tầm quan trọng như thế nào, xin Tiến sĩ Dương Thị Hồng cho biết là ở Việt Nam, sau khi hoàn thành hai mũi tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi thì đang đặt ra vấn đề gì?

TỔNG THUẬT: Tọa đàm 'Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng'
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Về việc triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12 cho đến 17 tuổi ở Việt Nam, hiện nay đây là chiến dịch chúng tôi đánh giá là rất thành công. Số mũi tiêm của chúng ta đã đạt tới 17 triệu, trong đó mũi tiêm thứ nhất cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi chúng ta đã đạt trên 97% và mũi tiêm thứ hai chúng ta đã đạt được 94,6%. Việc này chứng tỏ kết quả tổ chức tiêm chủng rất an toàn và tính lan tỏa sự chấp nhận của cha mẹ rất cao nên chúng ta đã đạt được tỉ lệ rất tốt.

Một lưu ý chúng tôi muốn chia sẻ với các khán giả và các bậc cha mẹ là trong quá trình triển khai tiêm chủng cho nhóm trẻ từ 12 cho đến dưới 18 tuổi, chúng ta ghi nhận số liệu tiêm chủng rất an toàn. Về các phản ứng thông thường chúng ta ghi nhận chỉ có từ 0,5 cho đến 10% các cháu được ghi nhận tiêm chủng có phản ứng thông thường, tùy từng địa phương. Nếu so sánh với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như nhà sản xuất, thì phản ứng thông thường của trẻ em Việt Nam chúng ta nhẹ nhàng hơn so với số liệu đã từng ghi nhận. Có những nơi, đến 50% hay 80% các cháu có biểu hiện đau và mệt mỏi. Nhưng ở Việt Nam chúng ta thì con số trung bình ghi nhận trên toàn quốc theo hệ thống của chương trình tiêm chủng mở rộng thu nhận từ các điểm tiêm chủng thì chúng ta chỉ có xấp xỉ gần 10% là phản ứng thông thường. Còn phản ứng nặng chúng ta cũng có ghi nhận, đó là những phản ứng phản vệ độ 2 và các cháu đã được xử trí kịp thời và qua khỏi.

Có những trường hợp ghi nhận có vài phản ứng viêm cơ tim nhưng với chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, sự tập huấn của các chuyên gia y khoa, ở đây có Giáo sư Trần Minh Điển, hướng dẫn rất chi tiết và chúng tôi đã xử trí rất kịp thời, không để xảy ra rủi ro đáng tiếc.

Con số tổng thể khi triển khai tiêm với 17 triệu mũi tiêm, chúng tôi ghi nhận có 5 trường hợp trên 1 triệu liều vaccine sử dụng có phản ứng nặng, tức là các cháu phải quay trở lại cơ sở y tế để điều trị. Như tôi vừa chia sẻ, đây là chiến dịch được ghi nhận với số liệu rất an toàn, hoàn toàn nằm trong những khuyến cáo mà Tổ chức Y tế Thế giới cũng như nhà sản xuất đưa ra.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Xin được hỏi PGS.TS. Dương Thị Hồng, thông tin về tình hình tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ở các nước trên thế giới hiện nay đang như thế nào? Những thông tin của thế giới liên quan đến tiêm chủng cho trẻ em ở lứa tuổi này?

PGS.TS Dương Thị Hồng: Tiếp theo tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, trên thế giới hiện nay đang tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Theo thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới chúng tôi cập nhật, có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Hầu hết các quốc gia đã chấp thuận vaccine này từ tháng 11/2021 và nhiều quốc gia cho đến tận tháng 2/2022 mới đây, chấp thuận vaccine để tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Chúng tôi cũng đã tham khảo số lượng vaccine sử dụng trên thế giới hiện nay, đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia. Số liệu vẫn đang được tiếp tục cập nhật qua hệ thống của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như các nhà sản xuất. Chúng tôi cũng xin lưu ý đây là những vaccine đã được sử dụng tại các quốc gia ở châu Mỹ như Mỹ; châu Âu với tổng số là 64 quốc gia đã cho phép sử dụng vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Đối với các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia là những nước gần chúng ta cũng đã chấp thuận sử dụng vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Việc sử dụng vaccine cho trẻ ở độ tuổi này theo khuyến cáo, số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất thì tính an toàn của vaccine cũng tương tự như đối với vaccine sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 tuổi cho đến dưới 18 tuổi. Do đó, Việt Nam chúng ta đã triển khai như các quốc gia trên thế giới.

TỔNG THUẬT: Tọa đàm 'Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng'
Cá vị khách mời tham dự Tọa đàm tại đầu cầu Hà Nội (từ phải sang): TS. Nguyễn Sĩ Dũng; PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tọa đàm diễn ra lúc 14h ngày 18/2.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thưa quý vị và các bạn, với thành công của của Chiến dịch tiêm chủng vaccine, có thể nói chúng ta là nước đi sau về trước. Việt Nam chúng ta đã từ một nước có ít vaccine để tiêm chủng với tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất, trong thời gian rất ngắn, đã vươn lên là nước tiêm chủng vaccine hàng đầu. Chính nhờ thành tựu đó, chúng ta đã có thể dần từng bước trở lại cuộc sống bình thường mới, khống chế dịch bệnh và phản ứng linh hoạt hơn trước các biến chủng mới, tình hình mới của dịch bệnh. Và quả thực, chúng ta thấy đất nước đang mở ra, chúng ta đang trở lại với cuộc sống bình thường mới, rất nhiều các hoạt động đang mở: Hàng không, dịch vụ vui chơi , nhiều hoạt động kinh tế-xã hội…, đưa chúng ta đến những hi vọng mới, một cuộc sống với nhiều hi vọng, nhiều niềm tin cho tương lai tốt đẹp.

Với những kết quả như vậy, chúng ta sẽ thấy tiêm chủng là rất quan trọng. Hiện nay, vấn đề đặt ra là, còn một mảng ghép nữa, nếu hoàn thành, chúng ta sẽ có toàn bộ bức tranh của tình hình tiêm chủng: Đó là tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, khoảng trên dưới 10 triệu em. Việc tiêm chủng này quan trọng như thế nào? Những vấn đề gì đang đặt ra?

Hôm nay chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận, đàm luận giữa các giới chuyên môn, các chuyên gia, dựa trên chứng cứ khoa học, thực tiễn.

Tôi xin được trân trọng giới thiệu tham gia toạ đàm có khách mời là PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi Trung ương; PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM. Đây là các chuyên gia hàng đầu của chúng ta liên quan đến tiêm chủng và phòng, chống dịch COVID-19.

Theo baochinhphu.vn

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26831 sec| 690.813 kb