Tại kỳ họp thứ 4, các vị Đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Sau kỳ họp, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về khái niệm "Sự cố" và "Thảm họa" (khoản 2 và khoản 3), một số ý kiến đề nghị giải thích cụ thể hơn và phân biệt rõ; có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung "vượt quá khả năng ứng phó và khắc phục hậu quả của chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện trở lên" vào cuối giải thích khái niệm "Thảm họa" tại Khoản 3.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, khái niệm "Thảm họa" tại Khoản 3 dự thảo Luật đã được quy định tại Khoản 13 Điều 2 Luật Quốc phòng năm 2018. Các loại "Sự cố" hiện đang được quy định gắn với đặc điểm, tính chất của các sự kiện chuyên biệt do các luật chuyên ngành điều chỉnh.
Do đó, việc giải thích khái niệm "Sự cố" là cần thiết để bảo đảm tính thống nhất chung, đồng thời không trùng với các loại sự cố đã được quy định.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và để bảo đảm cụ thể, rõ ràng Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị UBTVQH cho chỉnh lý lại khái niệm sự cố "là tình huống bất thường do thiên nhiên, dịch bệnh, con người hoặc do hậu quả chiến tranh gây ra có nguy cơ dẫn tới thảm họa".
Về các dạng thảm họa, sự cố (Điều 5), có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật khó phân biệt được các dạng sự cố, thảm họa; chưa thống nhất nội hàm sự cố, thảm họa và đề nghị chỉnh sửa lại cho tương ứng với các biện pháp phòng thủ dân sự; đề nghị quy định phù hợp với cách xác định sự cố, thảm họa trong hệ thống pháp luật; rà soát quy định đầy đủ các dạng sự cố, thảm họa và có tiêu chí xác định sự cố, thảm họa .
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, việc phân loại như dự thảo Chính phủ trình mang tính khái quát, trong khi hai khái niệm"Sự cố" và "Thảm họa" quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 2 đã thể hiện rõ các nguyên nhân cơ bản của sự cố, thảm họa.
Do đó việc quy định các dạng sự cố, thảm họa ở dự thảo Luật có thể dẫn đến trùng lặp, khó phân biệt. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị UBTVQH cho bỏ Điều này.
Về xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự (Điều 12), có ý kiến đề nghị cần có tiêu chí phân loại các công trình phòng thủ dân sự để tránh chồng chéo với các luật khác có liên quan; bảo đảm tính lưỡng dụng; có ý kiến đề nghị tách thành công trình phòng thủ chuyên dụng và công trình phòng thủ lưỡng dụng; đề nghị quy định khái quát các dạng công trình phòng thủ dân sự theo lĩnh vực hoặc theo thảm họa, sự cố; rà soát, bổ sung đầy đủ các loại công trình phòng thủ dân sự.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, hệ thống công trình phòng thủ dân sự theo dự thảo Luật Chính phủ trình là rất rộng, không rõ tiêu chí để phân biệt.
Hiện nay pháp luật chuyên ngành đã quy định khá cụ thể về các nội dung liên quan đến xây dựng và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh trong hoạt động xây dựng. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị UBTVQH cho sửa lại tên điều là "Công trình phòng thủ dân sự" và chỉnh lý lại nội dung như tại Điều 11 như dự thảo Luật trình UBTVQH.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự (Chương VI), có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định trách nhiệm của các bộ, ngành cho phù hợp về thẩm quyền; đề nghị chỉ quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến phòng thủ dân sự; rà soát, chỉnh lý các quy định tại Chương này cho thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị UBTVQH cho đổi tên Chương VI "Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự" thành "Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng thủ dân sự"; chỉnh lý nội dung chương này theo hướng quy định rõ hơn trách nhiệm của 7 Bộ có nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động phòng thủ dân sự và chỉnh lý các điều khoản khác trong Chương này như dự thảo Luật trình UBTVQH.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, ngoài một số vấn đề nêu trên, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý cơ bản ở phần lớn các chương, điều.
Sau chỉnh lý Dự thảo có 7 Chương, 55 điều, bổ sung 3 điều mới, giảm 16 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và ý kiến chỉ đạo của UBTVQH để hoàn thiện dự thảo Luật gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, UBTVQH đánh giá cao sự trách nhiệm, nỗ lực, cầu thị của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu dự thảo Luật.
Đồng thời, UBTVQH tán thành với nhiều nội dung dự thảo Luật sau khi chỉnh lý, các nội dung cơ bản bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định khác của pháp luật, bảo đảm tính khả thi trong thực tế.
Tại thảo luận, các thành viên UBTVQH đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến nguyên tắc áp dụng, sự thống nhất của dự thảo Luật với các luật khác có liên quan; phạm vi điều chỉnh; vấn đề về giải thích từ ngữ; các nội dung liên quan đến xây dựng hệ thống công trình, quỹ phòng thủ dân sự, trách nhiệm quản lý nhà nước,...
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH để chỉnh lý dự thảo Luật, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu xây dựng luật, sớm hoàn thiện dự thảo, báo cáo giải trình tiếp thu, chuẩn bị các phương án đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau để xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước khi trình Quốc hội cho ý kiến đối với với dự án luật này./.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-du-an-luat-phong-thu-dan-su-102230214162104966.htm