Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
Sáng 10/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Việc chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội còn chậm

Trình bày Tờ trình của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 16/24 dự án, dự thảo (12 luật, 4 nghị quyết); cho ý kiến 8/24 dự án luật. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tình hình thực hiện Chương trình năm 2023, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội, trong năm 2023 Chính phủ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, UBTVQH 14 dự án luật. Sau khi điều chỉnh Chương trình thì tổng số là 15 dự án. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 dự án, theo đó, Chính phủ tiếp tục phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, UBTVQH 14 dự án.

Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều sự quan tâm cho công tác thể chế. Ngoài các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; quy trình cho ý kiến các dự án luật được Chính phủ xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn; các dự án khi trình Quốc hội, UBTVQH đều được Chính phủ xem xét, thông qua bằng nghị quyết. Các bộ, cơ quan đã cố gắng, đầu tư thời gian, nguồn lực hơn cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, công tác xây dựng pháp luật được bảo đảm liên tục, hiệu quả; chương trình xây dựng pháp luật được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất.

Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH, đến nay, nhiều nhiệm vụ lập pháp đã được các bộ hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và lập các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, UBTVQH; công tác rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, tạo động lực cho phát triển kinh tế - , khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19, được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, thực hiện kịp thời. 

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình năm 2022 và 2023 còn một số điểm tồn tại, hạn chế như: Một số dự án luật hoặc đề nghị xây dựng luật chưa đảm bảo chất lượng nên chưa được thông qua theo Chương trình hoặc chưa được bổ sung vào Chương trình. Còn tình trạng bổ sung vào Chương trình một số dự án sát thời điểm tổ chức kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của UBTVQH…

“Những hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói. 

Trình bày tóm tắt thẩm tra về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Năm 2022 và đầu năm 2023, Quốc hội đã thông qua 13 luật, 14 nghị quyết và cho ý kiến về 7 dự án luật khác; UBTVQH đã thông qua 4 pháp lệnh, 9 nghị quyết quy phạm pháp luật và 6 nghị quyết điều chỉnh Chương trình. 

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật

Theo Chương trình đã được quyết định, tại kỳ họp thứ 5 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luât cơ bản thống nhất với đánh giá về những mặt tích cực cũng như tồn tại, hạn chế (bao gồm cả nguyên nhân) của công tác lập, triển khai thực hiện Chương trình trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 như được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. 

Đối với đề nghị các dự án cụ thể trong Chương trình, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, trong tổng số 25 dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào Chương trình năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023, có 20/25 dự án là kết quả của 20 nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, 5 dự án còn lại được các cơ quan đề xuất để đáp ứng yêu cầu mới trong nghị quyết, kết luận của Đảng và yêu cầu thực tiễn. 

Về điều chỉnh Chương trình năm 2023, Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung 11 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh và 1 dự thảo nghị quyết (trong đó: tại kỳ họp thứ 5, Chính phủ đề nghị bổ sung gồm 6 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết; tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đề nghị bổ sung 4 dự án luật, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị bổ sung 1 dự án luật). 

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, các dự án được đề nghị bổ sung vào kỳ họp thứ 5, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), UBTVQH đã quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2023 tại phiên họp tháng 3/2023. 

Ba dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, gồm: Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ , trật tự ở cơ sở. 

Theo dự kiến, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, UBTVQH sẽ cho ý kiến về nội dung đồng thời xem xét đề nghị bổ sung 3 dự án luật này vào Chương trình để Quốc hội.

Về tiến độ, do số lượng các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 rất lớn nên để bảo đảm tính khả thi, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội đã chủ động làm việc với các bộ có liên quan và thống nhất đề nghị UBTVQH xem xét, cho điều chỉnh tiến độ đối với dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ lùi 2 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ (trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8); đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì giữ như đề xuất của Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6. 

Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề xuất nêu trên của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nếu đề nghị xây dựng 3 dự án luật này được UBTVQH, Quốc hội đồng ý đưa vào Chương trình.

Về các dự án được đề nghị bổ sung vào kỳ họp thứ 6, Ủy ban Pháp luật, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao bổ sung 3 dự án Luật, gồm: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Thủ đô (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ: Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thống nhất đề nghị đưa dự án Luật này vào Chương trình nhưng lùi tiến độ 1 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ. Nhất trí việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhưng Ủy ban Kinh tế đề nghị lùi thời gian trình 1 kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ để cân đối hợp lý số lượng nhiệm vụ mà Ủy ban Kinh tế đảm nhiệm tại kỳ họp thứ 6.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu rõ, sau khi điều chỉnh, Chương trình năm 2023: Tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) sẽ thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 9 dự án luật (tính cả dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở). 

Tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023 sẽ thông qua 9 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5; cho ý kiến 6 dự án luật.

Về dự kiến Chương trình năm 2024, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại biểu Quốc hội đề nghị đưa 18 dự án luật vào Chương trình năm 2024, trong đó tại kỳ họp thứ 7 thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến 10 dự án luật; tại kỳ họp thứ 8 thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến 2 dự án luật. 

Qua thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu dự kiến Chương trình năm 2024 gồm: Tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024): thông qua 6 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, một dự án luật theo quy trình tại một kỳ họp Quốc hội và một dự thảo Nghị quyết về Chương trình năm 2025; cho ý kiến 11 dự án luật (tính cả dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ). 

Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) sẽ thông qua 11 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7; cho ý kiến 2 dự án luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, khối lượng công tác lập pháp cần hoàn thành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 rất lớn, chưa kể còn có thể bổ sung các nhiệm vụ lập pháp mới theo yêu cầu tại các văn kiện của Đảng và để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, nhưng thời gian còn lại của nhiệm kỳ sau khi Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 cơ bản chỉ còn năm 2025. Do đó, đề nghị các cơ quan tiếp tục nỗ lực tối đa, tập trung chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án được giao chủ trì, đề xuất sáng kiến, giải pháp để Quốc hội có thể cơ bản hoàn thành Chương trình công tác lập pháp của nhiệm kỳ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là những nội dung quan trọng, cấp thiết, có thể sẽ cần bổ sung thêm nội dung vào phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4 tới và cả phiên họp UBTVQH tháng 5 để đảm bảo giải quyết hết các công việc cần thiết.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tổng kết việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua để rút ra bài học và có điều chỉnh phù hợp.

Thời gian qua, tuy có nhiều khó khăn, khối lượng công việc lớn, Quốc hội, UBTVQH đã có nỗ lực lớn để hoàn thành được nhiều công việc, nhiệm vụ quan trọng, Ủy ban Pháp luật đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, các cơ quan khác của Quốc hội cũng đã rất khẩn trương, tích cực trong triển khai nhiệm vụ. Nhờ đó, việc xây dựng pháp luật được tiến hành khẩn trương, đạt yêu cầu vể cả chất lượng và tiến độ. Tiêu biểu như dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đánh giá cao, hoàn thiện hơn nhiều so với khi trình tại Kỳ họp thứ 4...

Theo Báo Tin tức

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-cho-y-kien-ve-du-kien-chuong-trinh-xay-dung-luat-phap-lenh-nam-2024-20230410101000496.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 5 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.64581 sec| 683.109 kb