Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cơ bản đạt mục tiêu đặt ra

Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cơ bản đạt mục tiêu đặt ra
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết với sự chỉ đạo chặt chẽ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra.

Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cơ bản đạt mục tiêu đặt ra
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Ảnh: VGP/ĐH

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng 8/9, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). 

Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về đối tượng áp dụng (Điều 2), một số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định về đối tượng áp dụng tại Điều 2 dự thảo Luật nhưng đề nghị đánh giá tính khả thi và bổ sung các quy định để bảo đảm áp dụng được đối với nhóm đối tượng người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây không có điều riêng về đối tượng áp dụng mà luật áp dụng chung cho tất cả "mọi người", trừ trường hợp đối tượng áp dụng có tính đặc thù.

Do vậy, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý theo hướng bỏ Điều 2 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, đồng thời bổ sung quy định giao Chính phủ quy định về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam tại khoản 3 Điều 22 dự thảo Luật.

Về hành vi bạo lực gia đình (Điều 3), theo bà Nguyễn Thúy Anh, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình. Có một số ý kiến góp ý về nội dung của một số điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình.

Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, hầu hết các hành vi bạo lực gia đình đều được thể hiện dưới dạng cụ thể của bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục hoặc bạo lực kinh tế.

Tuy nhiên, có hành vi bạo lực tác động đến người bị bạo lực gia đình dưới dạng đan xen nhiều hình thức khác nhau, nên nếu quy định khái quát thành 4 nhóm hành vi bạo lực gia đình thì có thể trùng lắp, bỏ sót hoặc không bao quát hết các hành vi bạo lực gia đình.

Do vậy, dự thảo Luật tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình và được rà soát, chỉnh lý các điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình tại khoản 1 Điều này trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Về việc bổ sung biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng" (Điều 33), một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung biện pháp "thực hiện hoạt động vì lợi ích cộng đồng" tuy nhiên cần lưu ý: rà soát để bảo đảm tương thích và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; loại trừ một số đối tượng; có quy định về thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng phù hợp; quy định về cách thức tổ chức thực hiện để bảo đảm tính khả thi. Có ý kiến đề nghị làm rõ đây là biện pháp "hành động vì lợi ích cộng đồng" hay "lao động công ích" vì cần lưu ý nếu quy định là "lao động công ích" là trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng: Quá trình xây dựng dự án Luật và thực tiễn giám sát cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao. Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục thì bổ sung một biện pháp mang tính phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết.

Qua tham khảo quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng" có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống bạo lực gia đình, không trái với các điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức.

Do vậy, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội bổ sung biện pháp "thực hiện công việc phục vụ cộng đồng" như quy định tại Điều 33 dự thảo Luật.

Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý còn 56 điều, ít hơn 6 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, bỏ 3 điều (các Điều 2, 47 và 61 của dự thảo Luật đã trình Quốc hội), bổ sung 3 điều (các Điều 33, 39 và 55).

"Với sự chỉ đạo chặt chẽ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, dự thảo Luật đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đặt ra. Đó là bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng để "phát triển gia đình hạnh phúc, bền vững và thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình toàn diện, khả thi, có hiệu quả", tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới", bà Nguyễn Thúy Anh khẳng định./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/viec-sua-doi-luat-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-co-ban-dat-muc-tieu-dat-ra-102220908104454464.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.37812 sec| 658.578 kb