Xem xét bổ sung quy định ban hành văn bản trong trường hợp khẩn cấp
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được thẩm định tại phiên họp ngày 08/7/2024 do Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh chủ trì.
Trên cơ sở Báo cáo thẩm định số 173/BCTĐ ngày 12/7/2024, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã nghiên cứu, tiếp thu và rà soát, chỉnh lý Tờ trình, báo cáo đánh giá tác động chính sách, đề cương dự thảo luật theo ý kiến thẩm định. Theo đó, đã rà soát, chỉnh lý các nội dung trùng lặp, đảm bảo thống nhất trong Báo cáo đánh giá tác động; chỉnh lý Đề cương, trong đó bổ sung quy định ban hành văn bản trong trường hợp khẩn cấp, mật, quy trình 3 kỳ họp.
Đồng thời, Vụ đã tiếp thu và làm rõ nội dung của từng chính sách. Theo đó, làm rõ mục tiêu giảm bớt chủ thể có thẩm quyền ban hành VBQPPL tại chính sách 1; làm rõ các quy trình: lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết và quy trình 02 giai đoạn đối với luật, nghị quyết, pháp lệnh; xây dựng văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng; xây dựng, ban hành VBQPPL của địa phương; trình tự, thủ tục rút gọn; thẩm định VBQPPL tại chính sách 2; làm rõ về hiệu lực văn bản, văn bản hợp nhất, các quy định tổ chức thi hành tại chính sách 3.
Về thời hạn trình, Vụ đề xuất trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị đã trao đổi, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau như: bổ sung quy định xin ý kiến, thời điểm, trách nhiệm xin ý kiến các cấp uỷ đảng; việc ban hành Nghị định của Chính phủ trong trường hợp vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội (Khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành VBQPPL 2015); bổ sung Nghị định thí điểm; thẩm quyền ban hành VBQPPL cấp xã; việc xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật,…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết phạm vi của khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành VBQPPL 2015 trùng một phần với Nghị quyết thí điểm. Vì vậy, Thứ trưởng nhất trí đề xuất thay quy định này bằng quy định “nghị định thí điểm” để đảm bảo sự phản ứng chính sách, yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ, nhất là đối với vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; đồng thời bổ sung quy định nguyên tắc về phân cấp, phân quyền.
Cân nhắc bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL cấp xã
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhất trí việc giữ nguyên tên gọi là Luật Ban hành VBQPPL vì nội dung quy định về tổ chức thi hành pháp luật chỉ mang tính nguyên tắc, đảm bảo tính ổn định.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật phải bám sát Quy định số 178/QĐ-TW ngày 27/6/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật để hoàn thiện nội dung các chính sách, đặc biệt là việc quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, soạn thảo VBQPPL; đồng thời tham khảo thêm Luật Phòng, chống tham nhũng và dự thảo Luật Báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về việc có giữ lại quy định tại Khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành VBQPPL 2015 không, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long, Vụ cần tiếp tục rà soát, làm rõ các văn bản nào đã được ban hành theo trường hợp này; từ đó có cơ sở báo cáo, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, cân nhắc việc bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL cấp xã; nghiên cứu thêm quy định về kiểm tra VBQPPL và tổ chức thi hành…
Theo Báo Chính phủ