Bộ Quốc phòng cho biết, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo tổ chức tổng kết thực hiện luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên đến cấp Bộ Quốc phòng.
Trên cơ sở kết quả tổng kết và lộ trình thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 17/1/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo, Bộ Quốc phòng sẽ xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cho phù hợp, trong đó có tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan.
Theo luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi năm 2019, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan quân đội được phân theo cấp bậc hàm. Cụ thể, cấp úy là 46 tuổi; cấp thiếu tá là 48 tuổi; cấp trung tá là 51 tuổi; cấp thượng tá là 54 tuổi. Các độ tuổi nói trên áp dụng cho cả nam lẫn nữ.
Từ cấp đại tá, hạn tuổi cao nhất đối với nam là 57 tuổi, còn nữ là 54 tuổi. Đối với cấp tướng thì nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi.
Luật cũng quy định rõ, khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ so với quy định nhưng không quá 5 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn.
Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị tại một số đơn vị như tư lệnh quân đoàn, sư đoàn trưởng, chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lữ đoàn trưởng… do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định nhưng không vượt quá hạn tuổi cao nhất của sĩ quan nói trên.
Năm 2023, Quốc hội đã thông qua luật Công an nhân dân (sửa đổi). Trong đó sửa đổi hạn tuổi cao nhất của sĩ quan công an để đồng bộ với độ tuổi lao động được quy định tại bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại Quốc hội cũng đề nghị cần sớm nghiên cứu để tăng tuổi nghỉ hưu của lực lượng quân đội cho đồng bộ.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/xem-xet-tang-tuoi-nghi-huu-si-quan-102240122162851924.htm