CPTPP là một hiệp định thương mại tự do bao gồm 11 nước bao gồm Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.
Theo đó, các nước thành viên sẽ có lộ trình kéo giảm thuế suất nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa và dịch vụ trong khối khi hiệp định chính thức đi vào hiệu lực dự kiến sớm nhất vào cuối năm nay.
Phát biểu trước lễ ký, Bộ trưởng Ngoại giao Chile Heraldo Munoz khẳng định CPTPP truyền đi một thông điệp mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại.
Sau lễ ký kết, CPTPP sẽ có hiệu lực đầy đủ sau 60 ngày, kể từ khi được Quốc hội của ít nhất sáu nước thành viên thông qua.
Tất cả các dòng thuế sẽ về 0% trong 7- 10 năm tới
Bộ Công Thương cho biết, các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ CPTPP có thể kể đến như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… Tuy nhiên, việc Việt Nam được hưởng lợi đến đâu còn phụ thuộc vào điều kiện cũng như việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững.
Đánh giá về việc Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, những tác động tích cực của CPTPP tương đối toàn diện.
Cụ thể, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Điều kiện lao động và môi trường của người lao động, hay nội dung liên quan tới công đoàn cũng đòi hỏi cam kết và cải cách mạnh mẽ.
Đánh giá tác động của CPTPP của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 1,32%, xuất khẩu sẽ tăng thêm 4% nhờ những thỏa thuận trong CPTPP. Theo hiệp định này, 100% dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm nhưng với Việt Nam được kéo dài lộ trình 7 đến 10 năm.
Các mặt hàng hải sản như tôm, cá ngừ đại dương, dệt may, giày dép của Việt Nam cũng nằm trong danh sách các mặt hàng được hưởng lợi. Ngoài ra, các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có thuế nhập khẩu đa số là 0%, thậm chí có nước như Canada, Nhật Bản dành cho 90% các mặt hàng công nghiệp Việt Nam có thuế nhập khẩu 0%.
Không chủ động sẽ phải trả giá
Về những tác động của CPTPP đối với Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Chile thông tin, Hiệp định CPTPP sẽ cho phép hơn ba nghìn sản phẩm Chile với ưu đãi thuế mới vào các thị trường quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, hiệp định TPP sẽ mở ra cơ hội cho các công ty của Chile và nhiều doanh nghiệp ở các nước thành viên khác có thể tham gia vào quá trình đấu thầu công cộng ở nước ngoài hay ở Việt Nam đồng thời thực hiện các chính sách khuyến khích nội địa hoá các doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ.
Cùng đó, CPTPP có tất cả các lợi ích để tiếp cận thị trường bên ngoài của TPP trước đó. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ giúp cải tiến việc nhập khẩu các sản phẩm Chile vào Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam và Canada. Cụ thể, các nhà sản xuất Chile cũng sẽ có cơ hội lớn hơn xuất khẩu rượu vang sang Malaysia, các sản phẩm nông nghiệp sang Việt Nam, hoặc các sản phẩm gia cầm và sữa vào Canada.
Ở chiều ngược lại, theo đánh giá, về mặt kinh tế, điều mà Việt Nam được hưởng lợi lớn đó là được tiếp cận thị trường tốt hơn với thuế suất thấp hơn và được tiếp cận những thị trường như Canada, Mexico, Chile và Peru, những nước mà hiện Việt Nam chưa ký kết hiệp định tự do thương mại.
Hiệp định CPTPP cũng sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, bên cạnh cơ hội mang lại cho nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam, cũng có không ít thách thức, khó khăn, thậm chí cả nguy cơ, không chỉ đặt ra cho các doanh nghiệp mà còn đối với người dân. Nếu không chủ động mà thụ động, thậm chí lơ là, không quan tâm đến thực thi cam kết trong hội nhập, tất yếu sẽ phải trả giá.
P.V (Tổng hợp)