Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

2 bộ cảnh báo kế hoạch nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài của ACV

2 bộ cảnh báo kế hoạch nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài của ACV
Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, không nên giao cho ACV thực hiện các dự án này. Đồng thời, việc đề nghị cho phép ACV thực hiện cơ chế ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước là không có cơ sở thực hiện.

2 bộ cảnh báo kế hoạch nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài của ACV
ACV vừa bị phát hiện có nhiều sai phạm trong công tác quản lý đầu tư

Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có đề xuất trình Bộ Giao thông vận tải kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cao năng lực khai thác tại 21 cảng hàng không (trong đó có cả khu bay) mà ACV đang khai thác.

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của ACV, dự kiến tổng số vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng 21 cảng hàng không (CHK) trong vòng 5 năm là khoảng 45.145 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn ACV đã tích lũy được từ trước đến nay là 20.000 tỷ đồng, nguồn vốn tiếp tục tích lũy (lợi nhuận và khấu hao) của ACV giai đoạn 2017 – 2021 dự kiến khoảng 35.500 – 45.300 tỷ đồng.

ACV cho rằng, với kế hoạch tích lũy vốn dự kiến như trên, ACV sẽ có đủ khả năng cân đối nguồn lực tài chính để đầu tư các công trình thiết yếu tại 21 CHK.

Ngày 2/2/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ hướng đề xuất của ACV về việc đầu tư cải tạo, nâng cấp 2 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Đề xuất này của Bộ Giao thông vận tải và ACV không nhận được sự đồng thuận của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Đối với việc giao cho ACV thực hiện đầu tư dự án nêu trên, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Giao thông vận tải hiện chỉ còn khoản vốn dự phong 10% (khoảng 3.688 tỷ đồng) chưa phân bổ. Nguồn vốn dự phòng này còn phải để giải quyết các tồn đọng về vốn của Bộ, do vậy không có cơ sở để bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 cho các dự án nâng cấp khu bay tại các CHK Tân Sơn Nhất và Nội Bài như đề xuất của Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải căn cứ các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng để lựa chọn đơn vị phù hợp làm chủ đầu tư dự án nêu trên thay vì giao cho ACV. Bởi lẽ, ACV hiện đã thực hiện cổ phần hóa và có sự tham gia góp vốn của các cổ đông tư nhân, do đó Nhà nước không thể giao cho ACV làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Đối với việc bố trí vốn nâng cấp, cải tạo hạ tầng khu bay tại CHK Tân Sơn Nhất và Nội Bài và cho phép ACV thực hiện cơ chế ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước theo đề xuất ACV, cả Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Tài chính đều cho rằng không có cơ sở để thực hiện việc này.

Lý do được 2 bộ nói trên đưa ra là do ACV hiện đã được cổ phần hóa, theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công (có hiệu lực từ 1/1/2018) thì toàn bộ nguồn thu từ phí sử dụng tài sản khu bay sau khi trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có ), ACV phải nộp về ngân sách nhà nước.

“Việc Bộ Giao thông vận tải đề nghị cho phép ACV được sử dụng nguồn thu từ hoạt động khu bay để thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng khu bay tại CHK Tân Sơn Nhất và Nội Bài và tiếp tục hạch toán, theo dõi và ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý tài sản công và ngân sách nhà nước”, văn bản phúc đáp của Bộ Tài chính nêu rõ.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo cấp có thẩm quyền và đưa dự án đầu tư này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 để thực hiện. 

Theo The Leader

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.21237 sec| 635.813 kb