Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo hoạt động năm 2019 và phương hướng hoạt động năm 2020. Kết quả cụ thể, đơn vị này đã chuyển 05 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an và kiến nghị xử lý trách nhiệm 29 tập thể, cá nhân vi phạm.
Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2019 cơ quan này đã cung cấp 82 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ quá trình điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.
Đầu tiên là vụ liên quan dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình - sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure mỗi ngày. Nhà máy đạm Ninh Bình được đầu tư xây dựng năm 2008, đi vào hoạt động năm 2012, nằm trong Khu công nghiệp Khánh Phú (xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) có tổng số vốn 667 triệu USD (hơn 12.000 tỷ đồng).
Ngay năm đầu tiên đi vào hoạt động, nhà máy này đã thua lỗ 75 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế từ năm 2012 đến đầu năm 2016 đã trên 2.000 tỷ đồng. Liên quan đến dự án này, từ cuối năm 2018, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an điều tra những sai phạm tại đây.
Năm 2019, cơ quan kiểm toán cũng chuyển 2 vụ việc liên quan quản lý đất đai đến cơ quan điều tra. Một là vụ sai phạm quản lý khu đất hơn 5.600 m2 tại hồ Đống Đa của Công ty Đầu tư phát triển Hà Thủy. Dự án này liên quan đến Tập đoàn Lã Vọng - một doanh nghiệp từng dính nhiều tai tiếng trong quá trình triển khai những dự án BT ở Hà Nội. Thứ hai là lô đất do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (Hadico) quản lý và sử dụng có diện tích gần 3.000 m2 tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Đặc biệt, hai vụ việc liên quan đến Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Một là vụ việc của Công ty cổ phần tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa công ty mẹ và công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng, nhằm đảo nợ các khoản vay sử dụng cho các mục đích khác, dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay.
Hai là vụ Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng Phúc Hưng có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn để được giải ngân và sử dụng vốn vay cho mục đích khác dẫn đến không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay. Được biết, hiện doanh nghiệp này đã dừng hoạt động, vẫn nợ ngân hàng hơn 30 tỷ đồng.
Về việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung và thay thế văn bản có lỗ hổng, dễ gây thất thoát cho ngân sách, Kiểm toán Nhà nước khẳng định 19 văn bản đã được huỷ bỏ, thay thế và bổ sung theo đề nghị của Kiểm toán.
Trước đó, cơ quan này cho biết, đã đề nghị huỷ bỏ, sửa đổi, thay thế và bổ sung 154 văn bản quy phạm pháp luật. Đây được xem là những văn bản bộc lộ hạn chế, dễ dẫn đến thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước.