Thời gian qua, Diễn đàn pháp luật có nhận được một số thông tin phản ánh về việc khu nghỉ dưỡng Hồng Phúc (Khu nghỉ dưỡng Vietsovpetro Hồ Tràm) sử dụng nước thải để tưới cây trong khuôn viên khu du lịch dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm, làm suy giảm chất lượng nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Để rộng đường thông tin về công tác đảm bảo môi trường theo đúng với Quyết định phê duyệt về đánh giá tác động môi trường ĐTM đã được các cơ quan chức năng phê duyệt khi đầu tư xây dựng, PV Diễn đàn pháp luật đã liên hệ với đại diện khu nghỉ dưỡng Vietsovpetro, lý giải về việc vướng mắc các thủ tục về môi trường, đại diện khu nghỉ dưỡng Vietsovpetro cho hay: “Trước đây do chưa có công văn đóng tiền xử lý rác thải sinh hoạt, đến tháng 9/2020, Trung tâm quản lý các khu xử lý chất thải gửi các công văn liên quan đến việc xử lý chất thải và hợp đồng để thu phí từ tháng 8/2017 đến thời điểm năm 2020, khu nghỉ dưỡng đã thực hiện ký hợp đồng và đóng tiền đầy đủ.
Hiện nay, rác thải nguy hại của khu nghỉ dưỡng rất ít (chủ yếu là bóng đèn), khu nghỉ dưỡng đang đàm phán để xử lý, rác thải nguy hại được giữ trong kho riêng biệt. Khu nghỉ dưỡng có hồ sơ về hệ thống xử lý nước thải đủ điều kiện để hoạt động, hệ thống xử lý nước thải theo bản thiết kế công suất 160 m3/ ngày đêm, theo ĐTM công suất 140 m3/ngày đêm, thực tế KND sử dụng khoảng 110m3/ngày đêm, nước thải sau khi xử lý dùng để tưới cây.”
Đối với việc hoàn thành lập đề án bảo vệ môi trường theo đúng quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường ĐMT đã được phê duyệt, trong văn bản báo cáo gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khu nghỉ dưỡng có lý giải thêm như sau: “Công ty đã lập hồ sơ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để được xác nhận việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Tuy nhiên, do công ty thay đổi quy mô, thiết kế và đã đi vào hoạt động nên Sở đã có văn bản số 1231/STNMI-BVMT ngày 06/5/2015 yêu cầu công ty phải lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết theo đúng quy mô thực tế đã thay đổi trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trong thời hạn tối đa 36 tháng theo quy định tại Điểm a, khoản 2, Điều 22 Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, tại thời điểm thanh tra, Công ty chưa hoàn thiện thủ tục môi trường.
ĐTM trước khi khởi công khu nghỉ dưỡng đã thực hiện và được phê duyệt ngày 24/06/2011, sau khi hoàn công năm 2014 khu nghỉ dưỡng có bản vẽ hoàn công là 184 phòng, tuy nhiên khi thay đổi tổng số phòng từ 156 phòng lên 184 phòng thì chưa thay đổi được do vướng mắc về mặt quy định (khu nghỉ dưỡng có gửi công văn số 54-2019/CVKND ngày 26/9/2019 cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh BR-VT về việc lập ĐTM cho quy mô hoạt động 184 phòng tại khu nghỉ dưỡng, công văn đính kèm văn bản), song về những thông số tác động đến môi trường theo đánh giá ban đầu khu nghỉ dưỡng vẫn trong giới hạn đánh giá ĐTM.”
Qua những thông tin từ phía đại diện khu nghỉ dưỡng Vietsovpetro phản hồi, cung cấp thông tin, cũng như văn bản báo cáo của đơn vị này gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường thì việc thực hiện đảm bảo môi trường, đặc biệt là việc xử lý nguồn xả thải tại khu nghỉ dưỡng Vietsovpertro tại Hồ Tràm còn tồn tại nhiều bất cập mà nguyên nhân chính ở đây xuất phát từ việc tự ý điều chỉnh quy mô thực số phòng nghỉ so với ĐTM đã được duyệt.
Diễn đàn pháp luật sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về sự việc.