Phơi nắng vỉa hè
Tốt nghiệp đại học giao thông bằng giỏi, không xin được việc làm, Nguyễn Thanh Tùng đã đầu quân cho một công ty bất động sản. Chỉ sau một cuộc phỏng vấn, Tùng đã nhận đi làm ngay. Sau một tuần đào tạo, Tùng được phân công cùng nhóm 5 người túc trực tại dự án ở Hà Đông.
Khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Tùng từng nghĩ tới nơi mình làm sẽ là toà nhà văn phòng mát lạnh, quần áo bảnh bao. Bây giờ, Tùng vẫn bảnh bao, sơ mi trắng, giầy đen nhưng chỉ có khác là chỗ làm việc. Nơi Tùng ngồi hàng này chỉ là chiếc bàn nhựa và mấy cái ghế, một chiếc ô che nắng.
Công việc kinh doanh bất động sản không hề dễ dàng. Nhiệt độ ngoài trời mùa hè lên tới 40 độ thì những người làm nghề như Tùng quả là cực hình. Dưới cái nắng, mồ hôi nhễ nhại. Mỗi khi thấy khách đi qua, Tùng cùng nhóm đồng nghiệp lao bổ ra, phát tờ rơi, mời vào tư vấn.
Sau thời gian ngấm đòn, Tùng cảm thấy thất vọng. “Ai cũng nghĩ làm môi giới bất động sản sang chảnh, nhưng bọn em thì lúc nào cũng bán mặt ngoài đường. Nắng nóng cũng khổ mà mưa thì coi như nghỉ làm”, Tùng chia sẻ.
Nam giới đã khổ, với những bạn gái thì còn vất vả hơn. Mai Hoa (24 tuổi, quê Hải Phòng) đã từng khóc nhiều lần khi quyết định đi làm môi giới bất động sản. Chưa có kinh nghiệm, Hoa bị đẩy ra ngoài vỉa hè bán hàng dự án. Công việc của Hoa ngày nào cũng như ngày nào có mặt ở địa điểm, nếu có khách đi qua thì mời vào xem dự án, xin số điện thoại và tư vấn bán hàng.
Nghe thì đơn giản nhưng thực tế đã có nhiều lần Hoa muốn bỏ nghề. “Đứng ở vỉa hè nắng chang chang, khói bụi, nhiều khi người đi đường còn trêu ghẹo. Có người hỏi còn có việc làm, bình thường cả nhóm ngồi chơi với nhau”, Hoa cho biết.
Vật bất ly thân của Hoa là lọ kem chống nắng. Chỉ một thời gian ngắn là Hoa dùng hết một lọ. Chưa kể tới những vật dụng khác như kính, áo chống nắng. Vậy mà Hoa chia sẻ, vẫn không thể chống lại được thời tiết.
Theo lời Hoa, ngại nhất là đang đứng ngoài đường gặp người quen. “Ở quê ai cũng nghĩ mình đi làm trên này công sở, nếu biết mình đứng vỉa hè thế này thì không biết nói thế nào”, Hoa nói.
Hoa từng có ý định bám trụ một thời gian rồi tìm công việc mới. Nhưng hiện nay, với những sinh viên mới ra trường như Hoa, đây vẫn là một nghề được cho là đỡ vất vả hơn.
Lương chưa được 3 triệu
Phần lớn nhân lực của nghề bất động sản là các bạn trẻ, sinh viên mới ra trường, khó khăn đầu tiên chính là việc tìm kiếm, tạo dựng mối quan hệ với khách hàng. “Bắt đầu từ con số 0”, họ phải cố gắng mọi cách để có thể kiếm khách hàng cho riêng mình.
Hầu hết những nhân viên bám trụ ngoài vỉa hè như Tùng hay Hoa có mức lương thường rất thấp, chưa tới 5 triệu đồng. Nhiều người chỉ 3-4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, môi giới phải có một số vốn để đầu tư quảng cáo dự án, quảng cáo sản phẩm.
“Nghe quảng cáo thì lương thưởng lên tới cả trăm triệu nhưng những nhân viên mới như em thì chắc phải cả chục năm nữa. Bây giờ mong cả tháng bán được một sản phẩm là tốt lắm rồi”, Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, Hoa cho rằng, áp lực cạnh tranh giữa các đồng nghiệp khá lớn. Nhóm nọ cạnh tranh nhóm kia nên cướp khách của nhau xảy ra như “chuyện thường ngày ở huyện”.
Ngay cả những người đã bám trụ với nghề lâu năm cũng chẳng liên tục được thuận buồm xuôi gió. Trong đám môi giới như Tùng, đã có người nhiều tháng không có được một giao dịch nào nên tinh thần giảm sút, phải bỏ nghề, kèm theo là một đống nợ.
Phải nói rằng nghề môi giới bất động sản chứa đựng rất nhiều khó khăn, thậm chí là cả cạm bẫy, nếu không biết cách đương đầu và giải quyết, họ thể sẽ thấy nản chí và sớm bỏ cuộc.
Theo VietNamNet