Được biết, dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (giai đoạn 2) có địa chỉ tại Quốc lộ 1A, Ngọc Hồi, Thanh Trì, TP. Hà Nội được triển khai từ giữa năm 2016 và được đưa vào sử dụng từ đầu năm nay. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của bệnh nhân trong khu vực cũng như các tỉnh lân cận.
Mới đây, PhapluatNet nhận được thông tin phản ánh liên quan đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp chưa được nghiệm thu các công trình hạng mục, đặc biệt là chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã đưa bệnh nhân vào thăm khám và điều trị trong thời gian vừa qua.
Nhằm làm rõ nội dung bạn đọc phản ánh, PV PhapluatNet đã đến Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp để tìm hiểu. Theo quan sát của phóng viên, công trình vẫn đang ngổn ngang ở một số hạng mục công trình như: Khu vực tầng G vẫn còn công nhân thi công lắp bóng đèn, thang máy chưa có tem bảo hành, cầu thang bộ bụi bẩn và các thiết bị phòng cháy chữa cháy chưa thực sự đầy đủ…
Khu vực tầng 4 của tòa nhà, nhiều phòng đã có các bệnh nhân nằm điều trị. Trao đổi với phóng viên, một bệnh nhân cho biết: "Tôi đến bệnh viện đa khoa Nông nghiệp đến nay đã được 10 ngày để điều trị bệnh tiểu đường. Hiện trong phòng có hơn chục người cũng đang nằm điều trị."
Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên PhapluatNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hùng – Cán bộ Quản lý dự án. Theo đó, ông Hùng khẳng định: Thiết bị PCCC của tòa nhà vẫn chưa được nghiệm thu nên hiện tại chưa ra được văn bản nghiệm thu công trình. Sang tuần, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ sẽ nghiệm thu là đầy đủ giấy tờ. Vừa rồi, huyện cũng đã có đoàn xuống thanh tra xử phạt cũng vì lỗi đưa công trình vào sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định.
Khi được hỏi phía Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp có đang “coi thường” tính mạng của bệnh nhân? Ông Hùng cho hay: Do mặt bằng bệnh viên chật hẹp, mà nhu cầu bệnh nhân lại cao nên bệnh viện biết là sai nhưng vẫn phải cho bệnh nhân vào khám, chữa bệnh và điều trị.
Trao đổi thêm với phóng viên, ông Hà Hữu Tùng – PGS. TS. TTND, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp xác nhận bệnh viện sai khi chưa có biên bản nghiệm thu công trình đã đưa bệnh nhân vào khám, chữa bệnh. Nhưng quỹ đất chỉ có 7000m2 nên bệnh viện xây dựng theo hình thức cuốn chiếu, nếu giải phóng hết mặt phòng thì bệnh nhân sẽ không có nằm điều trị.
Được biết, trong đầu năm 2019, trên cả nước xảy ra rất nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Phần lớn nguyên nhân là do các công trình không đảm bảo PCCC và chưa được nghiệm thu PCCC từ các cơ quan chức năng.
Khoản 3 Điều 123 Luật xây dựng năm 2014 quy định về việc nghiệm thu công trình xây dựng:
1. Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý sử dụng vật liệu xây dựng và được nghiệm thu theo quy định của Luật này.
2. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng. Tổ chức, cá nhân tham gia nghiệm thu chịu trách nhiệm về sản phẩm do mình xác nhận khi nghiệm thu công trình xây dựng.
3. Công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng và môi trường, công trình sử dụng vốn nhà nước phải được kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình.
Theo quy định, tại khoản 6 và điểm b khoản 7, Điều 36, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình, với hành vi “đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC” sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về PCCC”.
PhapluatNet sẽ tiếp tục thông tin.