Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bí thư không là người địa phương, ngăn chặn 'cả họ làm quan'

Bí thư không là người địa phương, ngăn chặn 'cả họ làm quan'
Lâu nay, vấn đề kéo bè kết phái, “cả họ làm quan”, “chọn người nhà hơn chọn người tài”… gây nhức nhối trong dư luận xã hội.

Chính vì thế quy định bố trí Bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương trong đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ vừa được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 được dư luận quan tâm.

Bí thư tỉnh, huyện không được là người địa phương

Mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Đồng Hới (Quảng Bình) Hà Quốc Phong vừa bị điều chuyển vì vợ con thăng tiến nhanh. Trước đó, ông Đinh Văn Thu, ông Lê Phước Thanh (Quảng Nam) nhận án kỷ luật do không gương mẫu trong việc bổ nhiệm con trai. Tuy nhiên, ở một số nơi, dù dư luận xôn xao về việc bổ nhiệm người nhà vào các vị trí quan trọng trong địa phương, nhưng lãnh đạo vẫn khẳng định “đúng quy trình”.

Bí thư không là người địa phương, ngăn chặn 'cả họ làm quan'
Ông Lê Như Tiến

Trao đổi với PV, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Quy định Bí thư huyện, tỉnh không phải người địa phương là chủ trương đúng đắn và tôi rất ủng hộ. Không phải bây giờ mà trước đây, nhiều triều đình phong kiến đã quy định rất rõ, không điều động, bổ nhiệm quan tri phủ, tri huyện về đúng quê mình. Nó chặn từ xa việc kéo người thân trong gia đình, dòng họ, dòng tộc vào làm các chức vụ của địa phương.

Thực tế, trong thời gian qua, có một số lãnh đạo địa phương, bộ ban ngành đã đưa tới mấy chục con em của mình vào các tỉnh, huyện, vào sở mình công tác. Biến cơ quan Nhà nước thành cơ quan nhà mình. Biến cơ quan, nơi xử lý công việc chung thành nơi tự tung tự tác của dòng họ mình, dòng tộc mình”.

Cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả

Trong cuộc trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ cũng nêu quan điểm, ông rất ủng hộ quy định này. “Cán bộ là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Điều đó đến nay vẫn đúng. Việc quy định cán bộ không phải người địa phương là một chủ trương tốt, hạn chế việc đưa người thân quen vào trong hệ thống. Những câu chuyện như một người làm quan cả họ được nhờ mà lâu nay nhức nhối sẽ vì thế mà thuyên giảm đi.

Tuy nhiên, theo tôi, phải tìm được cán bộ đứng đầu bộ, ngành, địa phương có tâm, có tầm. Chúng ta phải chọn được người có đủ tiêu chuẩn. Nếu con người không tốt thì đi đâu cũng không tốt, đi đâu họ cũng tìm cách kết bè kéo cánh, tham nhũng của dân của nước. Người đó dù có tài tới đâu cũng không thể tin dùng.

Có ý kiến cho rằng, cán bộ là người địa phương thì sẽ hiểu tình hình địa phương mình tốt hơn. Theo tôi, điều đó cũng không hẳn đúng.

Bởi, nếu là người có tài, đức thì họ sẽ thu phục lòng người, nhanh chóng nắm vững vấn đề của địa phương khi họ tới nhậm chức. Họ dựa được vào cán bộ cấp dưới, dựa vào nhân dân”.

Bí thư không là người địa phương, ngăn chặn 'cả họ làm quan'
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ

Ông Nguyễn Đình Hương đánh giá cao quy định này, nhưng theo ông, nạn “chạy chức chạy quyền”, “chạy việc” không thể ngăn chặn được nếu không có quyết tâm chính trị. Từng "phục vụ" 5 đời Tổng Bí thư, 4 nhiệm kỳ công tác ở Ban Tổ chức Trung ương, ông nhận xét "trước đây, chạy chọt chức quyền chỉ là cá biệt vì khi đó kiểm soát quyền lực cực kỳ nghiêm ngặt".

Thế nhưng hiện nay, chạy chức chạy quyền ở một số nơi thành phổ biến và trắng trợn, ở cấp nào, lĩnh vực nào cũng có. “Chạy” là vấn đề hết sức nan giải. Muốn chống được vấn nạn này thì trên phải nghiêm, phải trong sạch.

Ông trăn trở: “Tôi cho rằng, việc bố trí cán bộ không phải người địa phương là điều cần thiết. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong nhiều biện pháp để ngăn chặn việc bổ nhiệm người không đủ khả năng. Hiện, việc chạy chức chạy quyền đâu chỉ dựa vào quan hệ họ hàng, đồng hương.

Ví như trường hợp cô Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa không có quan hệ họ hàng với lãnh đạo nhưng cô có sắc đẹp nên vẫn được bổ nhiệm một cách “thần tốc”. Ngoài ra, còn hàng loạt các vấn đề khác tác động đến việc đề đạt, bổ nhiệm người không có năng lực vào các vị trí quan trọng trong cơ quan, tổ chức như “quan hệ”, “hậu duệ”, “đồ đệ” và đặc biệt là tiền bạc. 

Người đứng đầu của một địa phương phải là linh hồn, tấm gương của địa phương. Người đó phải vì Đảng, vì Dân, là trung tâm đoàn kết. Nếu người đó có dính tới tư lợi, đất cát.... thì không nói được ai.

Hiện nay, chuyện lạm dụng quyền lực quá phổ biến vì thế, chúng ta cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Không thể có chuyện các "anh" nào đó dám ngông nghênh xưng xưng tuyên bố: “Cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền””.     

Thành Huế

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.28050 sec| 645.844 kb