Theo Reuters, những người biểu tình gồm nhiều tầng lớp khác nhau, từ doanh nhân, luật sư, sinh viên cho tới các nhóm tôn giáo.
Đám đông người ước tính lên đến 500.000 người trong khi cảnh sát cho rằng khoảng 153.000 người bắt đầu tuần hành từ công viên Victoria. Biển người tràn ngập các đường phố, vừa đi vừa hò hét và ca hát trong hơi nóng ngột ngạt.
Khoảng 19 giờ cùng ngày (giờ địa phương), có tin đã xảy ra ẩu đả giữa những người phản đối và cảnh sát. Bảy người bị bắt.
Đây là cuộc biểu tình trong một ngày lớn nhất tại đặc khu này kể từ năm 2003. Khi đó, 500.000 người xuống đường phản đối chính quyền lên kế hoạch thắt chặt luật an ninh, theo Reuters. Trong đợt đại biểu tình Chiếm Trung Hoàn kéo dài gần 3 tháng hồi năm 2014 cũng chỉ có khoảng 100.000 người có mặt thường trực trên đường phố.
Theo dự luật, các lãnh đạo Hồng Kông có quyền ra lệnh đưa nghi phạm bị truy nã đến đại lục, Macau, Đài Loan cũng như những nước có ký kết hiệp ước về dẫn độ.
Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các quan chức khác cho rằng dự thảo là cần thiết để xóa bỏ "lổ hổng pháp lý tồn tại từ lâu", chấm dứt tình trạng tội phạm truy nã từ đại lục lợi dụng đặc khu hành chính này làm nơi trú ẩn.
Tuy nhiên, dự luật bị chỉ trích làm giảm sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông và khiến người dân có nguy cơ đối mặt với cáo buộc không rõ ràng cùng khả năng bị xét xử không công bằng ở đại lục. “Nếu dự luật được thông qua thì bất kỳ ai cũng có thể biến mất khỏi Hồng Kông và không có chuyện xét xử công bằng ở Trung Quốc đại lục”, thầy giáo Garry Chiu cùng vợ và con gái 1 tuổi nói với Reuters. Nhiều người kêu gọi Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các quan chức cấp cao khác từ chức.
Những người phản đối vẫy khẩu hiệu chống lại chính phủ, kêu gọi "những kẻ lừa dối" từ chức, đồng thời cáo buộc nhà chức trách "bán đứng" thành phố.
Ông Johnson Yeung Ching-yin, một nhà hoạt động nhân quyền, nhận định ông sẽ không hề ngạc nhiên nếu như số người tham gia biểu tình đạt đến 1 triệu.