Ngày 20/9, đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tới Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để kiểm tra quy trình biên tập, in ấn, phát hành sách giáo khoa năm học 2018-2019. Đoàn gồm 4 thành viên, được thành lập theo quyết định do Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng ký một ngày trước đó.
Trước đó, năm 2017, Bộ GD&ĐT đã có quyết định Thanh tra NXBGD Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc thanh tra này không đi sâu vào công tác chuyên môn mà chủ yếu quan tâm tới khâu tổ chức cán bộ, quản lý sử dụng tài sản... Kết luận của Thanh tra Bộ GDĐT cho thấy NXBGD có dấu hiệu sai phạm ở 19 khoản khác nhau.
Vừa qua, trả lời báo chí về tình trạng khan hiếm sách giáo khoa, lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, tính đến ngày 20/8/2018, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát hành 108,8 triệu bản SGK, đạt 105 % kế hoạch, vượt 3% so với cùng kì năm 2017. Tuy nhiên, năm nay do có sự đột biến về số lượng học sinh các lớp đầu cấp ở một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội, nên đã dẫn đến hiện tượng thiếu sách tạm thời ở một vài điểm nhỏ.
Thông tin sắp thay sách giáo khoa cũng khiến một vài công ty sách và thiết bị trường học đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho. Việc này ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn, phát hành của Nhà xuất bản Giáo dục.
Để khắc phục tình trạng thiếu sách tại một số nơi, NXB đã nhanh chóng cung ứng bổ sung các đầu sách còn thiếu, đặc biệt là các sách lớp 1, lớp 6, lớp 10 để phục vụ nhu cầu khách hàng.
Tại cuộc họp Thường vụ Quốc hội ngày 19/9, bà Lê Thu Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng ban Dân nguyện đã đề nghị Bộ Giáo dục thanh tra làm rõ có hay không tình trạng độc quyền in sách giáo khoa, tại sao in bài tập vào sách để năm sau không dùng được, dẫn đến lãng phí.
Trước ý kiến dư luận xã hội có phản ánh tình trạng một số sách giáo khoa phổ thông chỉ dùng được một lần, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09 tháng 12 năm 2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn sách giáo khoa (SGK) để thực hiện trên phạm vi cả nước. SGK biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành (gọi tắt là Chương trình 2000) được triển khai ở các cơ sở giáo dục từ năm học 2002-2003. Phiên bản sách giáo khoa hiện nay là phiên bản đã được sử dụng ổn định từ nhiều năm nay.
Do đặc thù của môn học, ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), đối với một số SGK, nhất là SGK Toán 1, Tiếng Anh (do đặc trưng của các môn học này), các tác giả có đưa vào các dạng bài tập trắc nghiệm và các dạng bài tập khác với “câu lệnh” ngắn gọn, dễ hiểu và rõ ràng như: Điền/Viết vào chỗ chấm hoặc ô trống, lựa chọn Đúng/Sai, Nối, Khoanh, Vẽ, Đánh dấu, Tô màu,… các SGK Toán 1 xuất bản giai đoạn 1976-1979; sách Toán 2 xuất bản giai đoạn 1980-1989; sách Toán 1 xuất bản giai đoạn 1990-2002, đều có các dạng câu hỏi, bài tập trên. Các SGK Toán của các nước tiên tiến trên thế giới cũng đều thiết kế các dạng bài học với hình thức như trên.
Tuy không yêu cầu học sinh làm bài hay viết trực tiếp vào SGK mà cần làm vào vở viết hoặc vở bài tập nhưng nếu giáo viên không hướng dẫn ngay từ đầu năm học và nhắc nhở thường xuyên thì các em sẽ có thói quen viết trực tiếp vào SGK, gây lãng phí dư luận phản ánh.
Về quan điểm chỉ đạo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GDĐT xác định: sách giáo khoa cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể sử dụng lại được khi cần thiết, tránh lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội.
Trong sách giáo viên có yêu cầu nhắc nhở học sinh không viết vào sách để SGK có thể sử dụng được nhiều lần.
Vũ Anh (TH)