Cuối năm ngoái, xã Triệu Độ (Quảng Trị) được nhận 10 con bò đực giống theo phân bổ từ chương trình hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh; mỗi con bò trị giá 18 triệu đồng, trong đó người dân đối ứng 4 triệu, Nhà nước hỗ trợ 14 triệu.
Mới nghe tin này, ai nấy đều cảm thấy hoan hỉ, mừng cho các hộ chăn nuôi ở vùng đất “nước mặn đồng chua”, “chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã khô”. Chỉ cần tận tâm chăm sóc những chú bò được sản xuất từ cơ sở giống trâu, bò "đạt chuẩn" chắc chắn sẽ giúp các gia đình cải thiện cuộc sống trong tương lai.
Nhưng viễn cảnh tươi đẹp ấy đã sớm khép lại, sau khi 8 chú bò giống được dắt về nhà... người thân cán bộ xã. Cụ thể, chỉ có hai hộ dân không "dây mơ rễ má" với cán bộ xã được nhận bò, số còn lại gồm có cán bộ Văn phòng UBND xã, anh ruột Phó chủ tịch UBND xã, anh ruột trưởng Công an xã, em họ Bí thư Đảng ủy xã, em cán bộ NN&NT xã…
Việc chia bò ở xã Triệu Độ một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của may mắn trong cuộc sống. Bởi theo lời ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã, số bò được chia cho các hộ nói trên vì xã nhận bò vào “những ngày cuối năm dương lịch, gấp quá”. Mà năm tháng, hay cụ thể trong trường hợp này là những con bò giống thì đâu thể kiên nhẫn đứng đợi chờ ai?!
Như sợ diễn biến câu chuyện chưa đủ gay cấn và làm dư luận địa phương bất bình, 5 chú bò được phân cho người nhà “quan xã” đã bị giết thịt một thời gian ngắn sau đó.
Phải chăng vì “giao diện”, thể trạng của những chú bò không được như lời “quảng cáo”, khiến chủ hộ thất vọng, không buồn trông nom? Hay vì người nhà “quan xã” bị rơi vào cảnh túng quẫn, đến mức phải xẻ bò giống ra mà ăn?...
Vậy đấy, mới nhẩm tính sơ sơ đã nhìn ra khá nhiều lý do tưởng vô lý nhưng lại hợp lý không tưởng giúp các hộ chăn nuôi biện hộ cho quyết định thất tín, bội ước vừa rồi (theo quy định các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi và phải cam kết chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác con đực giống ít nhất 48 tháng).
Viết đến đây, tôi sực nhớ tới truyện “Dấu phẩy” còn lưu truyền trong dân gian: Có anh nông dân nọ làm đơn lên xã xin được giết thịt con bò của mình. Quan trên vì muốn bảo vệ sức kéo bèn phê vào đơn “Trâu cày không được giết thịt”. Anh nông dân láu cá chỉ thêm vào một dấu phẩy: “Trâu cày không được, giết thịt” mà được đường đường chính chính đem trâu ra mổ, sau chẳng mang tội vạ gì.
Có khi nào vụ ồn ào xảy ra ở xã nghèo kể trên cũng đến từ hiểu lầm tai hại của các chủ hộ? - Câu hỏi này, xin được gửi đến các cơ quan chức năng.
Còn giờ đây, ta hãy dành chút ít thời gian nghĩ về những con bò “yểu mệnh”. Nếu biết nói lời cuối, chắc hẳn nó sẽ ngửa cổ hỏi trời: “Ai quyết giao tôi nhầm địa chỉ?”.
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả