Sáng 8/11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên chất vấn Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng bộ Thông tin & Truyền thông đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
83 đại biểu đăng ký chất vấn
Báo cáo với Quốc hội trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, bộ Thông tin và Truyền thông được giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về công nghệ công nghiệp và dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin (ICT), với doanh thu năm 2018 trên 100 tỷ USD, cùng sứ mệnh đưa ICT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số tiến tới kinh tế số, xã hội số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng là Bộ quản lý Nhà nước về báo chí và truyền thông với sứ mạng phản ánh trung thực, tạo đồng thuận, niềm tin cho xã hội và nuôi dưỡng khát vọng Việt Nam hùng cường.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Một đất nước muốn vươn lên thì sức mạnh chính là sức mạnh tinh thần, báo chí sẽ góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần đó. Dù đưa tin tiêu cực hay tích cực thì vẫn phải với mục tiêu khích lệ Việt Nam mạnh lên, nhằm giữ Việt Nam ổn định chứ không phải làm xói mòn sức mạnh đất nước".
Trong năm qua, ngành công nghệ thông tin và truyền thông nước nhà đã có bước phát triển, xếp hạng bưu chính tăng 5 bậc từ 50 lên 45 trong tổng số 172 quốc gia; chỉ số ứng dụng viễn thông và công nghệ thông tin tăng hạng từ 95 lên 41 trong số 141 nước xếp hạng...
Tuy nhiên, Bộ trưởng bộ Thông tin & Truyền thông cũng thừa nhận ngành còn nhiều tồn tại, nhiều vấn đề nhức nhối. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn chỉ rõ, đó là: Vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua kênh bưu chính viễn thông; sim rác, tin nhắn rác, thư rác; tình trạng chậm trễ của một số dự án trọng điểm về Chính phủ điện tử; tỷ lệ cao các máy tính bị nhiễm mã độc; các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gia công nhiều hơn là sáng tạo sản phẩm Made in Vietnam; sự bất cập trong quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Vấn nạn tin giả, quảng cáo sai sự thật, vấn đề báo hóa tạp chí, trang tin điện tử, đạo đức nghề nghiệp của một số phóng viên.
Với những vấn đề "nóng" liên quan đến ngành thông tin truyền thông, đã có tới 83 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Tung tin giả ở nước ngoài có thể bị phạt hàng triệu USD, phạt tù
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) về hiện tượng những trang mạng được gọi là "báo chí nhân dân", dù nội dung "xấu, độc" nhưng có lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu tới đời sống xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tin xấu độc trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu và thế giới cũng đang phải đối diện.
"Do đó, để ngăn chặn được thì yếu tố đầu tiên phải là hành lang pháp lý. Hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý là luật An ninh mạng, nhưng các quốc gia đều có quy định riêng xử lý tin rác, tin giả", Bộ trưởng nêu quan điểm.
Ông dẫn ví dụ từ Singapore mới đây có luật về xử lý tin giả với chế tài rất mạnh. Tinh thần xử lý của nước này rất nghiêm minh, mang tính răn đe cao. Không chỉ phạt mấy chục triệu như nước ta mà số tiền lên đến hàng chục triệu đô la và có thể đi tù. Một số người đứng đầu mạng xã hội cũng phải đi tù.
"Do đó, Việt Nam sẽ phải ban hành quy định pháp luật về vấn đề này. Hiện Thủ tướng đã giao bộ Công an chủ trì, phối hợp với bộ Thông tin & truyền thông sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.
Đưa giáo dục kỹ năng số vào chương trình học
Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, thông tin xấu độc chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, còn nền tảng trong nước thì cơ bản quản lý được. Bộ đã làm việc với Tổng cục thuế, bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để tìm cách xác định danh tính các tài khoản trên mạng xã hội.
"Nhiều người nghĩ trên mạng xã hội thì không xác định được danh tính nên thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin" - ông Hùng nói và nhấn mạnh, cần phải nâng cao đạo đức, giáo dục trên không gian mạng. Bộ cũng đã kiến nghị làm việc với bộ GD&ĐT đưa giáo dục kỹ năng số vào chương trình học phổ thông.
"Tin xấu độc nhiều khi do chính ta mà ra, nên vấn đề giáo dục sống trên không gian mạng rất quan trọng. Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc với bộ GD&ĐT để có chương trình giáo dục cách ứng xử, sống trên không gian số cho học sinh. Nếu như chúng ta đọc một tin xấu vô tình nuôi cho tin xấu sống, người đưa tin xấu tăng view có thu nhập", ông Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, kể từ khi có luật An ninh mạng, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này đã nâng cao hiệu quả, hiệu lực. Ông lấy ví dụ: Trước đây với Facebook chúng ta yêu cầu 100 việc thì họ chỉ thực hiện 20-30, còn bây giờ là 70%; Google trước đây chúng ta yêu cầu 100 việc thì họ chấp hành 50, bây giờ là 85-90, hoặc với yêu cầu gỡ các game xấu độc thì tỉ lệ gỡ gần đây là 92%.
Ông cũng cho biết chỉ cách đây 2 ngày, Facebook đã công bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.