Theo Đề án tuyển sinh 2020 của trường đại học Y Dược TP.HCM công bố thì mức học phí dự kiến của các ngành mà trường này đào tạo sẽ tăng từ 3 - 5 lần so với mức thu năm học 2019 - 2020.
So với mức thu hiện tại chỉ 1,3 triệu đồng/ tháng, tương ứng 13 triệu đồng/ năm, học phí dành cho sinh viên khóa mới của trường đại học Y Dược TP.HCM từ năm 2020 với ngành Răng - Hàm - Mặt lên tới 70 triệu đồng/ năm, ngành Y khoa là 68 triệu đồng/ năm, ngành Kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng/ năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/ năm.
Các ngành Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh, Điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng là 40 triệu đồng/ năm, ngành Y học dự phòng và Y học cổ truyền 38 triệu đồng/ năm, ngành Dinh dưỡng và Y tế cộng đồng thấp nhất là 30 triệu đồng/ năm.
Việc trường công bố mức học phí trong năm học mới tăng mạnh khiến nhiều phụ huynh, thí sinh bất ngờ và hoang mang, đặc biệt là đối với những thí sinh có nguyện vọng thi tuyển vào trường trong mùa tuyển sinh sắp tới đây.
Trao đổi với báo VietNamNet, ông Ngô Vũ Thắng, Trưởng phòng Tài chính sự nghiệp, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, trường Đại học Y Dược TP.HCM là 1 trong 11 trường đào tạo y, dược trực thuộc Bộ Y tế. Đây là đơn vị duy nhất bắt đầu thực hiện tự chủ từ năm 2020. Tuy nhiên, thời điểm trường công bố mức học phí mới, Bộ không hề nhận được thông báo.
“Ngay trong sáng nay, chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ GD&ĐT để làm rõ xem các trường được tự chủ chi thường xuyên xây dựng học phí thế nào, có cần khống chế mức trần không?”, ông Thắng thông tin.
Theo ông Thắng, bản thân ông nắm thông tin qua báo chí, ngay sau đó đã gọi điện cho trường hỏi cụ thể, nhận được câu trả lời rằng trường xây dựng giá học phí mới theo luật Giáo dục đại học sửa đổi. Bảng giá này đã được Hội đồng nhà trường thông qua.
Ông cũng đã yêu cầu trường gửi bảng định mức kinh tế khi xây dựng giá từng ngành học nhưng hiện vẫn chưa nhận được.
“Giờ chúng tôi chưa thể đánh giá mức học phí như vậy có hợp lý không. Vì để xây dựng giá học phí phải căn cứ vào định mức kinh tế kĩ thuật nhưng hiện chưa có bảng đó nên không biết cụ thể họ xây dựng trên cơ sở nào, kết cấu gồm những gì”, ông Thắng nói.
Mặc dù vậy, trưởng phòng Tài chính sự nghiệp của Bộ Y tế đánh giá, mức tăng gấp 4-5 lần sau 1 năm là quá cao, nếu tăng cần có lộ trình phù hợp.
“Tăng một lúc quá nhiều sẽ khiến rất nhiều học sinh thuộc nhóm đối tượng không đến mức nghèo để được hỗ trợ bị chơi vơi, không có cơ hội học tập. Với mức học phí 70 triệu đồng/năm, mỗi học sinh sẽ phải mất ít nhất hơn 10 triệu đồng/tháng để sống tối thiểu, chưa tính tiền mua sắm tài liệu, giáo trình”, ông Thắng nói.
Ông Thắng cho hay, hiện các cơ sở giáo dục xây dựng giá học phí theo Thông tư 14 của bộ GD-ĐT, quy định chi tiết định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo.
Trong đó có 2 loại hình: Thứ nhất, các trường sử dụng ngân sách nhà nước, sẽ áp theo định mức kĩ thuật do bộ GD-ĐT ban hành, trên cơ sở đó các trường xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình nhưng không được vượt quá mức trần.
Thứ hai, các trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên sẽ tự xây dựng mức giá trên cơ sở định mức kinh tế kĩ thuật do trường ban hành.
Khi đó, nhiều trường tự chủ dù cùng ngành học nhưng có thể sẽ có nhiều mức học phí khác nhau do cách đào tạo, cơ sở vật chất… khác nhau.
Theo thông tư 14, chi phí đào tạo trực tiếp chiếm 62%, trong đó tiền lương chiếm 33%; chi phí quản lý, chi phí gián tiếp chiếm 25%, còn lại là chi phí cho thu nhập tăng thêm, phúc lợi lễ tết, các quỹ…