Tính đến 6h ngày 14/02: Việt Nam có tổng cộng 1297 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 604 ca.
Tính từ 18h ngày 13/02 đến 6h ngày 14/02: 0 ca mắc mới. Việt Nam hiện vẫn có 2.195 bệnh nhân COVID-19.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 13/2 (tức mùng 2 Tết Tân Sửu), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ sự quan ngại trước diễn biến dịch bệnh ở huyện Cẩm Giàng- Hải Dương.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phân tích: Mặc dù Cẩm Giàng hiện đã phong toả, nhưng trước đó là đầu mối giao thông khá phức tạp, có sự giao lưu rộng, nên lượng người từ Cẩm Giàng toả đi khắp nơi đã khá nhiều. Do đó đề nghị các địa phương phải giám sát người đi từ Cẩm Giàng- Hải Dương trở về.
Theo đó, người đi từ Cẩm Giàng trở về các địa phương phải lập tức khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, cần phải giám sát và lấy mẫu xét nghiệm cả người sống cùng nhà với họ “để đảm bảo an toàn hơn”.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 152.690, trong đó, c ách ly tập trung tại bệnh viện là 683 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 18.232 người và cách ly tại nhà, nơi lưu trú 133.775 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.531 bệnh nhân COVID-19.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 39 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 12 ca, số ca âm tính lần 3 là 9 ca.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hiện BN1536 đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất. BN1536 tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay.
Liên quan đến công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế tiếp tục tăng nhân lực hỗ trợ, chỉ đạo các địa phương, cơ sở y tế thực hiện tốt công tác điều trị cho người mắc bệnh. Các y bác sĩ luôn nỗ lực, cố gắng để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất.
Bộ Y tế và các địa phương cũng đã rất chủ động, quyết liệt triển khai ngay các hoạt động phòng chống dịch. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh khi chỉ còn vài ngày nữa là hết Tết, các cơ quan, xí nghiệp và người dân sẽ đi làm trở lại.
Do đó, theo Bộ Y tế khi phát hiện các địa phương trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng cần thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý dịch nhanh hơn một mức, cao hơn một mức; khẩn trương, tăng tốc thực hiện truy vết, phát hiện, cách ly, xet nghiệm, khoanh vùng, xử lý triệt để.
Theo Báo Chính phủ