Nhiều tháng nay, tên "Bưu điện Hà Nội" bất ngờ bị "khai tử". Đơn vị quản lý đặt một cái tên mới cho tòa nhà đối diện hồ Hoàn Kiếm là “VNPT Hà Nội”.
Cái tên mới khiến cho nhiều người dân Thủ đô cảm thấy lạ lẫm khi tòa nhà quen thuộc, từng gắn với ký ức của thế hệ người Hà Nội “Bưu điện Hà Nội” quen thuộc và gắn liều với lịch sử, văn hóa của Thủ đô trên nóc của tòa nhà bị thay thế.
Được biết, cái tên “Bưu điện Hà Nội” gắn với lịch sử, văn hóa của Thủ đô đã được đổi tên từ nhiều tháng nay. Việc này đã khiến sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đi “đòi” lại tên cũ. Còn đối với những người dân Thủ đô và cả những nhà nghiên cứu về văn hóa Hà Nội đều cảm thấy buồn, hụt hẫng.
Theo đó, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, Bưu điện Hà Nội từ lâu đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Các hạng mục kiến trúc Bưu điện Hà Nội vẫn hiện diện tại vị trí cũ với dấu tích lịch sử được ghi rõ: “Ngày 20/12/1946, tại đây các chiến sĩ Thủ đô và công nhân bưu điện đã chiến đấu anh dũng, đánh lui nhiều đợt tấn công của giặc Pháp”.
“Mặc dù Bưu điện Hà Nội được tu sửa và xây dựng mở rộng nhiều lần. Nhưng cái tên “Bưu điện Hà Nội” chưa từng thay đổi”, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho hay.
Từ đầu năm 2018, ngay khi lấy ý kiến về việc sửa chữa, thay thế thiết bị đồng hồ Bưu điện Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP khẳng định Bưu điện Hà Nội là nơi ghi dấu nhiều thăng trầm lịch sử của mảnh đất Hà thành và hình ảnh đồng hồ lớn gắn với tòa nhà Bưu điện Hà Nội ở bên Hồ Gươm từ lâu đã ở trong tâm thức của người dân Thủ đô và du khách.
Do vậy, theo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, việc bảo tồn di sản của Thủ đô cần phải quan tâm đến cả các di sản tiêu biểu của kiến trúc bởi đó là những minh chứng cho lịch sử văn hiến nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội.
Chính vì vậy, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho rằng, đơn vị chủ quản tòa nhà này (Công ty Viễn thông Hà Nội) nên trả lại cái tên Bưu điện Hà Nội như trước đây.
Nói về việc Bưu điện Hà Nội bất ngờ bị "thay tên đổi họ", Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu chia sẻ trên tờ Tổ quốc, Bưu điện Hà Nội giờ đã đổi tên thành VNPT trên địa điểm của trụ sở Bưu điện Hà Nội cũ có nguyên nhân về mặt tổ chức của đơn vị.
"Trước hết chúng ta thấy, các cơ quan chung này gốc gác là Bưu điện Hà Nội, sau này tách thành hai cơ quan: bưu điện làm về mảng bưu chính và một mảng nữa là viễn thông. Viễn thông thì có tên là VNPT, sau này doanh nghiệp khi phân chia tài sản thì trụ sở Bưu điện cũ về cơ bản thuộc về VNPT.
Tất nhiên, về tài sản khi chuyển giao về cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền chọn tên phù hợp với quy định của pháp luật. Và tên đó được pháp luật cho phép", vị ĐBQH nói.
Nói về việc Bưu điện Hà Nội bất ngờ bị "thay tên đổi họ", Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu chia sẻ trên tờ Tổ quốc, Bưu điện Hà Nội giờ đã đổi tên thành VNPT trên địa điểm của trụ sở Bưu điện Hà Nội cũ có nguyên nhân về mặt tổ chức của đơn vị.
Tuy nhiên, theo ông Hiểu, có điều đặc biệt. Thứ nhất, trụ sở này nằm ở vị trí rất thiêng liêng của Hà Nội – hồ Hoàn Kiếm. Thứ hai nữa là Bưu điện của Hà Nội nói riêng và Bưu điện của nhiều tỉnh, thành nói chung trước đây luôn nằm ở vị trí trung tâm, như là biểu tượng của địa phương, nằm trong ký ức, suy nghĩ của rất nhiều người dân.
Từ đó, ông Hiểu cho rằng, cần tiếp cận thêm ở một góc độ nữa đó là doanh nghiệp rất cần phải lưu ý, là doanh nghiệp cũng phải có nghĩa vụ trong việc phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa.
Cũng theo đó, khi thấy biểu tượng hơn 100 năm của Thủ đô bất ngời bị "khai tử" từ “Bưu điện Hà Nội” thành “VNPT Hà Nội”, PGS.TS Hà Đình Đức, người có thâm niên hàng chục năm nghiên cứu văn hóa Hà Nội đã trải lòng mình về vụ việc này.
Nói về tên gọi “Bưu điện Hà Nội”, PGS.TS Hà Đình Đức cho hay: “Tên gọi “Bưu điện Hà Nội” đã có từ rất lâu, ngày xưa người dân thường hay gọi là "Bưu điện bờ hồ". Vừa rồi, có việc bưu chính viễn thông và bưu điện tách biệt nên đổi tên. Nhưng, theo tôi được biết người dân Hà Nội đều muốn tên gọi cũ là “Bưu điện Hà Nội” vì đây là cái tên đã quá quen thuộc, gắn với bao kỷ niệm của thế hệ người dân Thủ đô”.
“Cá nhân tôi cho rằng, việc một doanh nghiệp đổi tên “Bưu điện Hà Nội” như vậy là không nên. Tôi cũng muốn “Bưu điện Hà Nội” trở về đúng tên gọi của nó”.
Giải thích thêm về mong muốn này, PGS.TS Hà Đình Đức cho rằng, một phần lý do là bởi liên quan đến văn hóa của người Hà Nội: “Có một điều lý thú là ai cũng gọi hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm với danh từ chung là “bờ hồ”. Ở Hà Nội khi nói “lên bờ hồ chơi” thì ai cũng sẽ hiểu ngay là lên hồ Gươm. Nên “Bưu điện bờ hồ” hay “Bưu điện Hà Nội” cũng đã gắn với bờ hồ rồi. Khi thay thế thành “VNPT Hà Nội” tôi cảm thấy nó xa lạ với người Hà Nội. Vì thế, để lại tên vốn có của nó sẽ hay và ý nghĩa hơn”.
H.a (TH)