UBND thành phố Hà Nội vừa có thông báo đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP (cập nhật đến 9h ngày 25/2).
Theo đó, có 283 xã, phường, thị trấn cấp độ 1 (giảm 216 xã, phường so với tuần trước); 222 xã, phường cấp độ 2 (tăng 142 xã, phường). Đặc biệt, Hà Nội hiện có và có 74 xã, phường, thị trấn nào ở cấp độ 3 - màu cam, nguy cơ cao, tăng 74 đơn vị so với tuần trước, đồng thời không có địa bàn nào ở cấp độ 4 - màu đỏ, nguy cơ rất cao.
Cụ thể, 74 xã, phường, thị trấn dịch diễn biến phức tạp, đánh giá cấp độ dịch từ mức cấp độ 3 trở lên như sau: Ba Đình 2 đơn vị, Bắc Từ Liêm 4 đơn vị, Chương Mỹ 5 đơn vị, Đan Phượng 3 đơn vị, Đông Anh 8 đơn vị, Đống Đa 1 đơn vị, Gia Lâm 2 đơn vị, Hà Đông 3 đơn vị, Hai Bà Trưng 2 đơn vị, Hoài Đức 3 đơn vị, Hoàn Kiếm 1 đơn vị, Hoàng Mai 1 đơn vị, Long Biên 3 đơn vị, Mê Linh 5 đơn vị, Nam Từ Liêm 6 đơn vị, Quốc Oai 2 đơn vị, Sóc Sơn 5 đơn vị, Tây Hồ 1 đơn vị, Thạch Thất 8 đơn vị, Thanh Oai 2 đơn vị, Thanh Trì 3 đơn vị, Thanh Xuân 1 đơn vị, Thường Tín 3 đơn vị.
Ngoài ra, trong số 505 xã, phường, thị trấn còn lại, có 222 đơn vị đạt cấp độ 2 và 283 đơn vị đạt cấp độ 1. Với những xã, phường, thị trấn đạt cấp độ 2 có mức độ lây nhiễm ở mức 3 và khả năng đáp ứng ở mức cao. Những xã, phường, thị trấn đạt cấp độ 1 có mức độ lây nhiễm ở mức 1-2 và khả năng đáp ứng ở mức cao.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong những ngày gần đây, tình hình dịch trên địa bàn thành phố gia tăng. Số ca mắc COVID-19 dao động trong khoảng từ 8.000-9.000 ca/ngày. Riêng ngày 25/2, Hà Nội ghi nhận số ca mắc kỷ lục lên tới hơn 9.800 ca/ngày.
Trước tình hình đó, tối 24/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký Công điện hỏa tốc đề nghị mỗi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ và thành phố; thực hiện thông điệp 5K, hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe, trang bị kiến thức khi nhiễm COVID-19 và điều trị tại nhà, nhận biết các dấu hiệu khi bệnh chuyển nặng để liên hệ với các cơ sở y tế kịp thời hỗ trợ; tránh “tâm lý chủ quan” hoặc “hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết”.
Người đứng đầu UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tăng cường hiệu quả hoạt động của các trạm y tế và trạm y tế lưu động, Tổ hỗ trợ chăm sóc theo dõi F0 tại nhà nhất là địa bàn có mật độ dân cư cao (đảm bảo nhân lực, cơ số thuốc, điều kiện vật chất, lực lượng y tế…), kịp thời chuyển tuyến điều trị theo hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 của ngành Y tế.
Chủ tịch Hà Nội cũng chỉ đạo đẩy mạnh thần tốc hơn nữa việc tổ chức tiêm vắc xin mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, tiêm vét mũi thứ 2 cho trẻ em từ 12 đến dưới 17 tuổi; hoàn thành tốt chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng…