Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Ca nghi mắc Covid-19 tại Đà Nẵng dự kiến sáng 25/7 sẽ có kết quả chính thức

Ca nghi mắc Covid-19 tại Đà Nẵng dự kiến sáng 25/7 sẽ có kết quả chính thức
Ngày 24/7, ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, thông tin về ca nghi mắc Covid-19 tại Đà Nẵng.

Liên quan đến ca nghi mắc Covid-19 tại Đà Nẵng, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là cơ sở xét nghiệm Covid-19 hàng đầu Việt Nam - nơi khẳng định kết quả cuối cùng, hỗ trợ các địa phương xét nghiệm những mẫu xét nghiệm khó. 8h30 sáng 24/7, Viện đã nhận được mẫu bệnh phẩm từ Đà Nẵng gửi ra để xét nghiệm thẩm định. Đến 12h trưa nay đã có kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn là bệnh nhân có bị nhiễm Covid-19 hay không. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ tiếp tục làm trong đêm nay, dự kiến đến sáng mai (25/7) sẽ có kết quả chính thức.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng bộ Y tế cũng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về 1 trường hợp nghi nhiễm Covid-19 ở TP. Đà Nẵng, bộ Y tế xác định đây là trường hợp có khả năng nhiễm rất cao và triển khai ngay tất cả các biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch.

Ca nghi mắc Covid-19 tại Đà Nẵng dự kiến sáng 25/7 sẽ có kết quả chính thức
Ca nghi mắc Covid-19 tại Đà Nẵng dự kiến sáng 25/7 sẽ có kết quả chính thức.

Cụ thể, bộ Y tế đã yêu cầu và TP. Đà Nẵng tiến hành lập toàn bộ danh sách những người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm. Trong đêm 23/7, TP. Đà Nẵng đã tiến hành xét nghiệm tất cả các trường hợp này bằng phương pháp RT-PCR và tìm kháng thể. đều âm tính toàn bộ. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã yêu cầu cách ly toàn bộ những trường hợp này để bảo đảm an toàn với cộng đồng. Những nơi bệnh nhân đi đến đã được khoanh vùng, cách ly. Chiều nay, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác nhất hỗ trợ Đà Nẵng trong công tác cách ly.

Đối với công tác điều trị người nghi nhiễm, bệnh nhân này đang mắc viêm phổi cấp tính có dấu hiệu nặng, diễn biến nhanh, do đó các chuyên gia đầu ngành đã tiến hành hội chẩn liên viện để đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất cho. Một kíp y bác sĩ hồi sức cấp cứu của Chợ Rẫy cũng đã được cử đến Đà Nẵng hỗ trợ trực tiếp cho công tác điều trị.

Đặc biệt, trong đợt này, “Bộ Y tế tiến hành một biện pháp chưa từng áp dụng là rà soát và xét nghiệm diện rộng tại tất cả các khu vực có nguy cơ ở Đà Nẵng bằng xét nghiệm kháng thể với kit thử do Việt Nam sản xuất bằng máy ELISA”. Bộ Y tế cũng đã kích hoạt toàn bộ hệ thống truy vết những người đã tiếp xúc với người nghi nhiễm.

Về trường hợp nghi nhiễm Covid-19 ở Đà Nẵng, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ban Chỉ đạo đã nhận được thông tin và có chỉ đạo ngay từ ngày hôm qua (23/7). Ban Chỉ đạo ghi nhận và biểu dương tinh thần sẵn sàng và phản ứng rất kịp thời, đúng hướng dẫn của ngành y tế và chính quyền TP. Đà Nẵng. Khi có ca nghi nhiễm chúng ta phải tiến hành các biện pháp như đối với ca nhiễm từ xét nghiệm, cách ly, truy vết những người tiếp xúc gần… Như của quyền Bộ trưởng bộ Y tế, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trường hợp này cần chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng của cơ quan có uy tín hàng đầu của Việt Nam là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vì trong quá trình xét nghiệm có một số yếu tố cần phải làm lại.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cho dù quả xét nghiệm có âm tính hay dương tính thì chúng ta vẫn phải tiếp tục triển khai các biện pháp giống như ca bệnh đã bị dương tính để xử lý. So với 4 tháng trước đây, thì tình hình đã khác nhiều. Chúng ta đã có kinh nghiệm thực tiễn ở nhiều địa phương. Những nơi chưa có ca bệnh cũng được tập huấn rất kỹ. Tinh thần là luôn sẵn sàng khi có ca nghi nhiễm hay nhiễm trong cộng đồng thì thực hiện phát hiện, truy vết người tiếp xúc, cách ly, xét nghiệm. Chúng ta khoanh vùng sớm nhất, quy mô nhỏ nhất ngay từ ban đầu để tiến hành dập dịch.

Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương coi đây giống như tín hiệu để siết lại mức độ sẵn sàng của ngành y tế, hệ thống phòng, chống dịch. Ông yêu cầu tất cả các lực lượng chức năng, trước hết là y tế, quân đội, công an nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Nếu sẵn sàng và làm đúng các yêu cầu đã được hướng dẫn, tập huấn từ trước đến nay thì cho dù tới đây có thể có những ca nhiễm trong cộng đồng nhưng chúng ta tập trung xử lý gọn ngay từ đầu sẽ không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng”. 

Bước quan trọng nhất là khoanh vùng

Ca nghi mắc Covid-19 tại Đà Nẵng dự kiến sáng 25/7 sẽ có kết quả chính thức
Bác sĩ Trương Hữu Khanh.

Đánh giá về ca nghi nhiễm này, trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (bệnh viện Nhi đồng TP.HCM) - cho biết: “Nếu người đàn ông này nhiễm virus SARS-CoV-2 thì cần tiến hành thực hiện theo các bước mà từ trước đến nay chúng ta đã làm để dập dịch, như ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai”.

Vị bác sĩ này cho biết, bước quan trọng nhất là khoanh vùng: “So với ổ dịch ở Bạch Mai thì tại bệnh viện C Đà Nẵng chúng ta đã biết được ai là người bị bệnh, xác định được nguồn lây. Vì thế, việc quan trọng trước mắt đó chính là khoanh vùng dập dịch”.

Việc làm tiếp theo mà bác sĩ Khanh cho biết là cần tăng cường tuyên truyền, nhắc người dân nâng cao ý thức đeo khẩu trang: “Hiện nay, ý thức đeo khẩu trang ở nơi công cộng đang bị nới lỏng, thậm chí có người không đeo. Vậy, những trường hợp đi ra nơi công cộng, đi xe buýt hay ngồi ở phòng họp kín cần phải tuân thủ đeo khẩu trang. Đặc biệt, người dân Đà Nẵng cần phải đeo khẩu trang để lực lượng chức năng, cơ quan y tế giám sát xong những khu vực liên quan đến nguồn lây mới bàn tiếp”.

Vị bác sĩ nhấn mạnh, điều quan trọng hiện nay là ý thức phòng ngừa của người dân đang bị lơ là: “Cần phải tăng cường tuyên truyền cho người dân có ý thức đeo khẩu trang trở lại, tăng cường sát khuẩn, vệ sinh theo hướng dẫn của bộ Y tế”.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn còn có những diễn biến phức tạp, vì vậy bác sĩ Khanh cũng đưa ra lời khuyên người dân trong nước không nên chủ quan mà cần tiếp tục chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó như đã đưa tin, bệnh nhân nam 57 tuổi, sống tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng nghi nhiễm Covid-19. Trong một tháng gần đây, bệnh nhân chỉ ở thành phố Đà Nẵng, không đi ra ngoại, hàng ngày ít đi xã khỏi khu vực lưu trú, chỉ ở nhà trông cháu ngoại, giao tiếp với hàng xóm xung quanh, không tiếp xúc với người lạ. Ngày 20/7/2020, bệnh nhân sốt, ho, đờm nhiều nên đến khám tại bệnh viện C Đà Nẵng lúc 8 giờ 25 phút và nghi mắc Covid-19.

Ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp nghi ngờ nêu trên, bộ Y tế đã chỉ đạo sở Y tế thành phố Đà Nẵng để chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC) phối hợp với bệnh viện C Đà Nẵng tiến hành giám sát và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm sàng lọc lần 1 ngày 23/7/2020 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, chiều cùng ngày tiếp tục lấy mẫu lần 2 cũng cho kết quả dương tính. Lấy mẫu chuyển đi Viện Pasteur Nha Trang và viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để khẳng định.

Sở Y tế cũng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ngay trong đêm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhận tại bệnh viện C, bệnh viện Đà Nẵng, gia đình bệnh nhân, con gái bệnh nhân và mẹ bệnh nhân. Kết quả đã lấy 102 mẫu xét nghiệm đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành các biện pháp điều tra dịch tễ, xác định các đối tượng tiếp xúc gần, tiến hành cách ly, khoanh vùng địa bàn và các đối tượng.

Không nên quá hoang mang

 “Chưa đến mức phải thực hiện giãn cách như hồi đầu năm, nếu khách có đi du lịch thì bắt buộc phải đeo khẩu trang. Ca bệnh này chúng ta dự đoán được, vì thế người dân không nên quá lo lắng” - Bác sĩ Trương Hữu Khanh.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

Tags:
4.4 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.41186 sec| 657.906 kb