Trong đoạn clip được phụ huynh ghi lại, cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách đánh vần từng âm tiết trong trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, cách đánh vần này vẫn khiến các bậc phụ huynh thấy khá bất ngờ và có vẻ hoang mang.
Để tìm hiểu kỹ hơn, PV đã có buổi trao đổi nhanh với cô Phạm Thị Nhợi - giáo viên dạy lớp 1 của trường tiểu học An Dục, Thái Bình về vấn đề này.
PV: Trân trọng cảm ơn ơn đã tham gia trả lời phỏng vấn. Xin cô cho biết cách đánh vần chương trình sách tiếng Việt Công nghệ giáo dục có phải là phương pháp mới và được áp dụng từ khi nào?
Cô Phạm Thị Nhợi: Đối với tôi thì chương trình sách tiếng Việt Công nghệ giáo dục không có gì mới mẻ bởi nó đã được áp dụng thí điểm vài năm trước. Riêng trường chúng tôi đã áp dụng chương trình giảng dạy mới này được 3 năm. Nó giống như chương trình VNEN, bộ GD&ĐT không bắt buộc các trường phải dạy mà đây là SGK của GS. Hồ Ngọc Đại đang thử nghiệm
PV: Trước đó, các giáo viên có được cung cấp tài liệu hay đào tạo qua một khóa hướng dẫn về chương trình này hay không? Các thầy cô có gặp khó khăn gì khi triển khai dạy học trên thực tế, thưa cô?
Cô Phạm Thị Nhợi: Trước đó, các giáo viên dạy lớp 1 như chúng tôi đều được đi tập huấn ngắn hạn để tiếp thu chương trình mới. Bên cạnh đó còn được đi dự giờ ở nhiều lớp thực nghiệm.
Giáo viên gặp nhiều bất lợi do chương trình không đồng bộ từ lớp mẫu giáo học chữ. Vì chương trình mới nên hầu hết phụ huynh học sinh không thể cùng con học bài và dẫn đến tình trạng khi lên lớp, giáo viên phải giảng gấp đôi để các em nắm được bài.
PV: Việc áp dụng phương pháp giảng dạy mới có khiến các em học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, thưa cô?
Cô Phạm Thị Nhợi: Để nói thật khách quan thì phương pháp mới này có cả mặt tốt và điểm hạn chế. Học sinh lúc đầu gặp khó khăn vì không quen với cách phát âm như mẫu giáo và chương trình cũ. Nhưng khoảng nửa kỳ 1 là học sinh quen dần.
Trước đây, theo cách dạy cũ thì chương trình chậm hơn nên học sinh đọc được ít, nhưng có thời gian để hiểu nghĩa của từ. Mặt khác, học sinh tiếp cận chương trình mới lại đọc được nhiều, đọc nhanh và nhận mặt chữ tốt hơn. Tuy nhiên, điểm yếu ở đây là học sinh còn hạn chế về vấn đề hiểu nghĩa của từ.
PV: Với các em học sinh là vậy, còn đối với các bậc phụ huynh, họ có gặp trở ngại gì khi kèm cặp con em tại nhà?
Cô Phạm Thị Nhợi: Học sinh lớp 1 như tờ giấy trắng, tiếp nhận một điều mới mẻ từ một mô hình thật cụ thể thì sẽ đưa ra những phản hồi tích cực nên không quá khó khăn.
Bên cạnh đó, chương trình cũng chỉ thay đổi một số chứ không phải thay đổi hoàn toàn như những vần có nguyên âm đôi đánh vần khác hay ví dụ như tiếng trước đánh vần lần lượt.
Ví dụ: Trước đây đánh vần "b-a-dấu “`”-bà" nhưng bây giờ đánh vần chỉ chia thành hai bộ phận tiếng và thanh (“ba-dấu “`”-bà).
Một vần có nguyên âm đôi, trước đánh vần từng con chữ một (vần “yên” có con chứ “y”/ “ê”/ “n” nhưng hiện nay đánh vần “yê-n-yên”).
Về cơ bản thì cô và trò vẫn nắm khá tốt, nhưng đối với phụ huynh thì mỗi năm lại một đợt khác nên không tránh khỏi sự hoang mang.
Theo thông tư 30 và 22 của bộ GD&ĐT có điều lệ học sinh học trên lớp, tự hoàn thành bài ở nhà và có những thời gian học cùng bố mẹ. Nhưng với cách đánh vần hiện tại thì nhiều ông bố bà mẹ không biết hướng dẫn con theo cách nào.
Họ bàng hoàng vì chương trình khác hoàn toàn so với trước. Họ lo lắng là điều dễ hiểu bởi không biết khi về nhà sẽ kèm cặp con học ra sao, có đúng như cô hướng dẫn hay không?
Để thống nhất giữa việc học ở lớp cũng như về nhà nên chúng tôi đã có buổi hướng dẫn phụ huynh để về chỉ bảo thêm các cháu.
PV: Theo quan điểm của cô thì cách đánh vần theo chương trình sách tiếng Việt Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại còn điều gì bất cập cần khắc phục?
Cô Phạm Thị Nhợi: Cái bất cập ở đây chính là sự không đồng bộ bảng chữ cái và cách phát âm để đọc trong chương trình giảng dạy.
Ở cấp mầm non, cô giáo vẫn dạy các bé chương trình cũ để nhận biết từng con chữ. Nhưng lên lớp 1, khi được tiếp thu học chương trình mới theo công nghệ để đọc, phát âm chuẩn đến nhuần nhuyễn thì đến lớp 2 lại quay lại chương trình cũ. Đó là một vòng luẩn quẩn và là điểm hạn chế lớn nhất.
Chính điều này đã gây khó khăn cho các thầy cô dạy lớp 2 khi phải dạy lại chương trình từ đầu và các bé bị hỗn loạn trong kiến thức.
PV: Trân trọng cảm ơn cô!
Hải Yến