Theo ông Michael Osterholm, chuyên gia về an toàn sinh học, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu và chính sách về bệnh truyền nhiễm tại đại học Minnesota cho biết, căn bệnh truyền nhiễm này có tên là Suy mòn mãn tính(CWD) và được đặt tên một cách không chính thức là bệnh “Hươu Zombie”.
Con người có thể sớm bị ảnh hưởng bởi một căn bệnh ăn mòn não mà cho đến nay chỉ được ghi nhận là gây tử vong cho hươu, các nhà dịch tễ học cho biết.
Chia sẻ về vấn đề này, nhà khoa học Michael cho biết: "Khả năng con người mắc bệnh suy mòn mãn tính liên quan đến việc tiêu thụ thịt bị ô nhiễm sẽ được ghi nhận trong những năm tới". Số lượng các trường hợp của con người sẽ là đáng kể và sẽ không phải là trường hợp cá biệt.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã phân loại đây là một bệnh thần kinh truyền nhiễm gây ảnh hưởng tới hươu, tuần lộc, hươu sika (hươu đốm) và nhiều loại nai khác.
Căn bệnh này gây ra bởi protein sai lệch cấu trúc hoặc prion dẫn đến thoái hóa xốp não, khiến loài vật trở nên hốc hác, có hành vi kỳ dị, mất chức năng cơ thể và cuối cùng là tử vong.
CWD được quan sát lần đầu tiên vào những năm 1960 khi các nhà khoa học nhận thấy rằng những con nai ở Fort Collins, Colorado đã chết đói sau khi vấp ngã như những thây ma. Kể từ đó, căn bệnh này đã lây nhiễm nhiều loài động vật hoang dã trên 24 tiểu bang ở Mỹ cũng như ở Canada, Hàn Quốc và Na Uy.
Mặc dù chưa có trường hợp nào được báo cáo về việc con người bị nhiễm CWD, nhưng chuyên gia Michael Osterholm lập luận rằng nguy cơ có thể giống với thế kỷ trước, khi một tình trạng tương tự được gọi là bệnh bò điên ban đầu được phát hiện ở gia súc nhưng sau đó mới dần lây lan sang con người.
H.A (TH)