Mới đây, cậu bé lớp 5 đã tự viết ra một "Bộ luật phải tuân chỉ” dành riêng cho mình khiến ai đọc xong cũng phải bất ngờ.
Được biết, cậu bé đang gây được sự chú ý của mọi người là Nguyễn Quốc Anh – học sinh lớp 5A4 Trường Tiểu học Minh Khai, TP. Thanh Hoá.
Theo đó, 21 điều trong bộ luật này gồm:
Điều 1: Làm cái gì cũng phải tập trung
Điều 2: Học những cái tốt của người khác
Điều 3: Không nói dối người khác
Điều 4: Nhớ những lời bố, mẹ nói
Điều 5: Tự nghiêm khắc với bản thân
Điều 6: Tìm hiểu về những thứ không biết
Điều 7: Xem tivi ít hơn và xem những cái tốt
Điều 8: Nghe lời bố mẹ và phải tuân chỉ
Điều 9: Bỏ cái tính khùng đi
Điều 10: Cố gắng không làm bố mẹ buồn
Điều 11: Luôn luôn sẽ không mắc lỗi lần thứ 2
Điều 12: Làm gì cũng phải nhanh chóng
Điều 13: Rút ra một bài học khi bị mắng
Điều 14: Phải luôn đặt ra kế hoạch mỗi ngày
Điều 15: Tự biết mình yếu ở chỗ nào
Điều 16: Làm gì cũng phải tự cố gắng
Điều 17: Thường xuyên giúp đỡ mọi người
Điều 18: Nhớ là mình bị bệnh không tập trung
Điều 19: Nghĩ về tương lai mình nếu không học
Điều 20: Luôn tự hào về những việc tốt đã làm
Điều 21: Thực hiện cho được 20 điều trên
Chia sẻ trên tờ Infonet, anh Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Trong khi dọn phòng cho con thì tôi bất ngờ phát hiện được bộ luật 21 điều phải tuân chỉ của con khiến tôi vô cùng ngỡ ngàng. Chính vì những điều của bộ luật này mà con trai tôi đã thay đổi tính nết tích cực”.
Cũng theo anh Cường thì con trai anh là đứa trẻ có cá tính mạnh mẽ, khi muốn làm điều gì thì phải thực hiện cho bằng được.
Liên quan đến cách rèn luyện tính tự giác cho trẻ, chia sẻ trên Vnexpress, nhà tâm lý Lê Khanh – Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý – đào tạo kỹ năng Rồng Việt cho biết trước hết, hãy để cho trẻ quyền chọn lựa, không phải chọn giữa cái không và cái có mà chọn giữa việc thực hiện như thế này hay thực hiện như thế kia. Sau đó trong giai đoạn đầu, bố mẹ cần biết cách “tập huấn” cho trẻ theo từng bước, hướng dẫn cho trẻ làm những động tác cơ bản nhất và khi trẻ đã làm được thì có hai điều mà phụ huynh cần lưu ý:
Thứ nhất là hãy để cho trẻ tự làm, ngay cả khi có sai sót, vì như thế, trẻ mới biết rút kinh nghiệm, và cho dù thời gian trẻ làm có dài gấp đôi nhưng bố mẹ cũng nhất quyết không can thiệp. Không tuân thủ nguyên tắc này là nguyên nhân khiến việc dạy trẻ thất bại, vì cha mẹ thường không chịu nổi sự chậm chạp và vụng về của trẻ, để rồi “ra tay” hoàn tất công việc trong tích tắc, thay vì phải chứng kiến sự rề rà của con.
Thứ hai là đảm bảo tính nhất quán. Trẻ không thể hình thành sự tự giác, nếu các hoạt động thường xuyên thay đổi về thời gian và cách thức.
Một trong những biện pháp nâng cao “kỹ năng” là cho trẻ từng bước tham gia vào các hoạt động trong gia đình, như dọn dẹp, làm bếp, lau nhà, giặt quần áo... Bố mẹ có thể nhờ bé làm một số việc lặt vặt, vừa làm vừa hướng dẫn thêm cho con. Dĩ nhiên điều đó sẽ làm cho chúng ta mất thì giờ hơn, mệt hơn… nhưng có hoạt động huấn luyện nào mà không mất thì giờ và công sức?