Thiết lập phòng cấp cứu thần tốc
TS. BSCKII Nguyễn Thanh Vinh, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 10 cho biết, theo kế hoạch ban đầu, Bệnh viện chủ yếu nhận các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc những ca nhiễm không triệu chứng. Tuy nhiên khi các ca trở nặng tăng lên thì bệnh viện xác định phải điều trị cấp cứu thật tốt. Chính vậy nên, phòng cấp cứu trong Bệnh viện dã chiến số 10 được thiết lập rất nhanh.
"Chúng tôi tận dụng ngay tầng hầm để xe của chung cư để làm phòng cấp cứu. Các nhân lực vững vàng nhanh chóng được điều đến" – BSCKII Nguyễn Thanh Vinh nói.
Việc vận hành tốt phòng cấp cứu ở bệnh viện dã chiến giúp xử lý kịp thời các tình huống. Tuy mới đi vào hoạt động được 3 tuần nhưng đã có nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi, cho xuất viện. Hiện tổng công suất của bệnh viện khoảng 3.000 giường. Ngoài lực lượng y bác sĩ ở TP.HCM còn có sự chi viện của đoàn y tế từ các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Giang…
Theo đánh giá của BS Vinh, với bệnh nhân COVID-19, việc cấp cứu là rất quan trọng. Từng nhân viên trong các kíp trực đều hiểu rõ điều đó, đồng thời nắm vững các nguyên tắc chống nhiễm khuẩn. Việc phân luồng trong Bệnh viện cũng khoa học nên bảo đảm điều trị tốt cho bệnh nhân và an toàn cho y bác sĩ.
Bệnh nhân đều hợp tác tốt
Tại Bệnh viện dã chiến số 10, các thầy thuốc ngoài điều trị y khoa còn đấm bóp, trấn an tâm lý, dỗ dành từng bệnh nhân vào giấc ngủ. Lo động viên ăn uống để đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất. Cử nhân gây mê Nguyễn Hữu Lộc cho biết: "Chúng tôi cố gắng để các bệnh nhân cấp cứu đều có thể vượt quan được cửa tử. Có bệnh nhân ban đầu vào đây rất hoang mang nhưng khi nghe phân tích kỹ về tình hình bệnh tật cũng như việc điều trị thì hợp tác nhanh. Đến nay, hầu hết vào phòng cấp cứu đều nghe theo các y bác sĩ".
Bệnh nhân Lê Văn T chia sẻ: "Tôi cứ nghĩ vào phòng cấp cứu sẽ phải nằm li bì một chỗ, khó khăn trong việc vệ sinh thân thể, nhưng các nhân viên y tế đều giúp đỡ nhiệt tình như người nhà của mình. Giờ chuẩn bị khỏi bệnh nên tôi rất xúc động".
Bác sĩ Phương Lan cho biết thêm: "Việc điều trị cho bệnh nhân được làm theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Bệnh viện còn tư vấn việc ăn uống cho người bệnh để bảo đảm tốt dinh dưỡng. Bệnh nhân cũng nghiêm chỉnh làm theo nên nhanh chóng bình phục hơn và được chuyển về khu vực cách ly, chờ xuất viện".
Đến với phòng cấp cứu bệnh nhân phải thở oxy, hầu hết đều là các y bác sĩ trẻ. Ai cũng có quyết tâm chiến đấu với dịch bệnh rất cao. Cử nhân Nguyễn Hữu Lộc bộc bạch: "Tôi và nhiều anh chị em làm việc ở đây đều chưa lập gia đình nên chúng tôi dồn cả sức lực và tâm nguyện vào việc điều trị bệnh nhân. Ai cũng phải tăng công suất hoạt động. Điều đáng mừng là bệnh nhân cấp cứu ở đây đều chuyển biến theo hướng tốt lên".
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).